Dự thảo Luật Nhà giáo: Ngành giáo dục được chủ động tuyển nhân sự

Lê Vân/Báo Tin tức 08/11/2024 05:59

Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được trình và cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo...

Video Đại biểuThái Văn Thành, Đoàn ĐBQHNghệ An chia sẻ:

Thực tế, công tác quản lý Nhà nước về nhà giáo hiện nay đã bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế trongquy hoạch phát triển đội ngũ, tuyển chọn, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, xếp loại, thực hiện chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh chức năng nhiệm vụ của Phòng Giáo dục và Đào tạo(GD&ĐT) quy định tại Nghị định số 127/2018/NĐ-CP,chức năng nhiệm vụ của Phòng Nội vụ có quy định Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 là “quản lý nhân sự”, vì vậy, hầu hết UBND cấp huyện giao cho phòng Nội vụ chủ trì tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyệntuyển dụng, tiếp nhận, điều chuyển, bổ nhiệm nhà giáo.

Điều này hạn chế vai trò tham mưu của Phòng GD&ĐT về chuyên môn, dẫn đến hiện tượng thừa - thiếu cục bộ; việc bố trí đội ngũ (số lượng, chất lượng, cơ cấu) phụ thuộc trách nhiệm người đứng đầu cấp huyện; cơ chế thực hiện ở mỗi huyện cũng khác nhau, điều kiện phương tiện, môi trường làm việc cũng khác nhau.

Các văn bản hướng dẫn Luật và Nghị định không có quy định thuyên chuyển viên chức giữa các đơn vị trực thuộc; khi điều động viên chức từ đơn vị thừa sang đơn vị thiếu, điều động biệt phái; viên chức biệt phái hưởng lương ở đơn vị cử đi có bất cập khi giữa các đơn vị có sự chênh lệch về chế độ chính sách (ưu đãi, khu vực, các khoản đóng góp nghĩa vụ ở đơn vị đến...).

Việc quy định phân cấp quản lý dẫn đến không thực hiện được việc điều động giáo viên từ huyện này sang huyện khác để bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu; khó khăn trong việc tiếp nhận giáo viên từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác để tạo điều kiện cho giáo viên được yên tâm công tác, hợp lý hóa gia đình...

Bên cạnh đó, một số chế độ chính sách đối với giáo viên thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời, thiếu tính thống nhất như chế độ trả tiền dạy thừa giờ, tiền chấm bài thừa... cho giáo viên. Việc tổ chức thi thăng hạng cho giáo viên ở một số huyện chưa kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

Vì vậy, quy hoạch đội ngũ giáo viên cần bảo đảm đồng bộ, dài hạn, đảm bảo sự chủ động của cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Đồng thời, đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo. Về tuyển dụng, đề xuất quy định nội dung, hình thức và các yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng riêng đối với nhà giáo, để đảm bảo phù hợp với đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, giảm thiểu các yêu cầu về hành chính, công vụ, tăng cường các yêu cầu và đánh giá về năng lực sư phạm...

Khi nhà giáo được bổ nhiệm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, làm cán bộ quản lý giáo dục, phải có ý kiến của cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp quản lý nhà giáo vàcũng cần tính toán để quy định giữ lại một số chính sách nhà giáo đối với nhà giáo được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý giáo dục.

Ngoài ra, việc bố trí, phân công, điều chuyển nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục xảy ra haitrường hợp: Do nhu cầu, nguyện vọng của nhà giáo (thuyên chuyển) hoặc do sự điều tiết của cơ quan quản lý giáo dục nhằm giải quyết thừa, thiếu giáo viên hoặc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhiệm vụ cụ thể của ngành trong một thời điểm nhất định (biệt phái, điều động). Để việc sử dụng nhà giáo có hiệu quả,các trường hợp nêu trên cần làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thẩm quyền. Trong đó, về thẩm quyền, cần giao trách nhiệm và sự chủ động cho các cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

Chú thích ảnh
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH Đồng Tháp phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Đại biểuNguyễn Thị Mai Hoa, ĐBQHĐồng Tháp:

Trong Kết luận 91 của Bộ Chính trị có ghi rõ: “Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo trong việc quyết định biên chế, tổ chức bộ máy, chính sách đối với nhà giáo và phân bổ ngân sách Nhà nước cho ngành Giáo dục…”. Dự án Luật Nhà giáo đã bám sát yêu cầu thể chế hoá nội dung tinh thần Kết luận 91 của Bộ Chính trị. Nói cách khác, Kết luận 91 là căn cứ chính trị quan trọng để hình thành hệ thống chính sách trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, bao gồm chính sách quản lý Nhà nước về nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo đã hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khắc phục các bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo hiện nay; thực hiện phân công, phân cấp hợp lý trên cơ sở bảo đảm vai trò chủ động của ngành giáo dục; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ông Vừ A Bằng,Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên:

Việc quản Nhà nước đối với nhà giáo hiện nay được thực hiện bởi nhiều Luật (Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Lao động...), dẫn đến khó khăn trong quá trình nghiên cứu, triển khai và tổ chức thực hiện ở cơ sở. Một số văn bản không quy định rõ khái niệm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh.

Việc quản lý biên chế còn chồng chéo giữa cơ quan Nội vụ và giáo dục. Ngành Giáo dục được giao tổng biên chế trong khi thẩm quyền tuyển dụng lại thuộc cơ quan Nội vụ. Theo quy định phân cấp hiện nay, sở GD&ĐT trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, viên chức giáo viên và học sinh cấp THPT, các trường PTDT Nội Trú THPT trên địa bàn, các cấp học còn lại trực thuộc chức năng nhiệm vụ phòng GD&ĐT cấp huyện do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý. Do đó, ngành Giáo dục không chủ động được việc phân bổ, điều động, bố trí sử dụng (tuyển dụng, biệt phái…) biên chế giáo viên, nhất là giáo viên thuộc cấp học THCS, Tiểu học, giáo dục Mầm non để thực hiện nhiệm vụ hằng năm giữa các địa phương trong tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên còn thiếu 2.008 giáo viên, trong đó: Giáo viên mầm non: 980; giáo viên tiểu học: 533; giáo viên THCS: 233; giáo viên THPT: 262. Số lượng cấp phó trong các cơ sở giáo dục quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP đối với các trường chuyên biệt, trường liên cấp, trường có nhiều lớp học, trường có nhiều điểm trường còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý đơn vị; chưa quy định rõ định mức số lượng công chức thuộc các phòng GD&ĐT, do đó, việc bố trí biên chế công chức đối với các phòng GD&ĐT phụ thuộc vào chỉ tiêu giao của UBND các huyện.

Do đó, cần xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, giao thẩm quyền cho Sở GD&ĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh, cơ cấu lại tổ chức, tăng số lượng biên chế quản lý Nhà nước cho phòng GD&ĐT cấp huyện; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vị toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

Hiện nay, Bộ GD&ĐT chỉ có quyền trong thống nhất quản lý về chuyên môn của giáo dục; Bộ Nội vụ thống nhất quản lý về nhân sự của giáo dục; Bộ Tài chính thống nhất quản lý về tài chính của giáo dục. Nghĩa là Bộ GD&ĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục, nhưng không có quyềnquyết định liên quan đến hai nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là kinh phí và nhân lực. Sự phân công trách nhiệm như vậy giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ trong quản lý Nhà nước về nhà giáo là đặc trưng của mô hình quản lý nhân sự, phù hợp với mô hình quản lý Nhà nước truyền thống về giáo dục khi Nhà nước giữ vai trò vừa là người cầm lái, vừa là người chèo thuyền.

Tuy nhiên, 20 năm qua,trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục, khi mô hình quản lý Nhà nước về giáo dụcđãchuyển sang mô hình Quản lý công mới,nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh trong một khung pháp lý kiến tạo, mô hình quản lý nhân sự trên không còn phù hợp.

Vì vậy, cần thay thế bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực. Trong đó, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng và giao chỉ tiêu biên chế cho ngành Giáo dục, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện. Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộicó trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu biên chế cho các bộ, cơ quan ngang bộ, UBNDcấp tỉnh, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Theo baotintuc.vn
https://baotintuc.vn/thoi-su/du-thao-luat-nha-giao-nganh-giao-duc-duoc-chu-dong-tuyen-nhan-su-20241107213932971.htm
Copy Link
https://baotintuc.vn/thoi-su/du-thao-luat-nha-giao-nganh-giao-duc-duoc-chu-dong-tuyen-nhan-su-20241107213932971.htm
Bài liên quan
Bộ GD&ĐT xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo
Chiều 12/1, Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo Luật Nhà giáo: Ngành giáo dục được chủ động tuyển nhân sự