Việc hòa nhập giáo dục không chỉ dành cho nữ sinh mang thai và cho con bú mà còn cần sự thay đổi tư duy, định kiến của mọi người xung quanh, nhất là nam giới. Các khung pháp lý và chính sách hỗ trợ cũng rất quan trọng để đạt được sự thay đổi tích cực.
Đơn cử, năm 2020, Sierra đã bãi bỏ lệnh cấm các cô gái mang thai, bà mẹ tuổi vị thành niên đi học và tham gia các kỳ thi. Chính sách này nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cơ bản có chất lượng cho mọi người dân.
Ngoài ra, trường học đẩy mạnh dịch vụ y tế, chương trình bữa ăn học đường, giáo dục giới tính, chăm sóc trẻ em cũng như hỗ trợ tạo thu nhập cho nữ sinh trở lại lớp học sau khi sinh.
Sierra Leone đang cố gắng xây dựng một hệ thống giáo dục bình đẳng, phù hợp cho tất cả mọi người, trong đó, mô hình tiếp cận hòa nhập dành cho trẻ em gái mang thai bỏ học sẽ là bài học cho những quốc gia khác.
Đây không chỉ là mô hình giúp các nước phục hồi sau dịch Covid-19 mà còn xây dựng hệ thống giáo dục mạnh mẽ hơn cho thế kỷ 21, đón đầu xu hướng gia tăng dân số tại châu Phi trong thời gian tới.
Các bà mẹ tuổi teen vừa học vừa chăm con. |
Năm 2023 được kỳ vọng là năm khởi nguồn cho sự “thay da đổi thịt” của hệ thống giáo dục châu Phi bởi lẽ, thế giới đã cán mốc 8 tỷ dân vào cuối năm 2022. Các quốc gia trong khu vực châu Phi cận Sahara dự kiến sẽ đóng góp hơn 50% mức tăng dân số được dự đoán đến năm 2050.
Đứng trước nguồn nhân lực dồi dào, các quốc gia cần gấp rút tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao góp phần vào tăng trưởng của lục địa và thế giới.
Trong đó, các quốc gia châu Phi sẽ có triển vọng kinh tế tươi sáng hơn khi khai thác tiềm năng của bộ phận dân số rộng lớn như trẻ em gái vị thành niên. Hơn nữa, đầu tư nguồn lực để đào tạo trẻ em gái không chỉ nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và năng lực trong công việc của phụ nữ.
Tương tự Sierra Leone, các quốc gia châu Phi đang triển khai nhiều luật, chính sách hỗ trợ trẻ em gái.
Đơn cử, tháng 3/2022, Chính phủ Guinea-Bissau đã công bố luật bảo vệ trẻ em, trong đó có các biện pháp bảo vệ quan trọng dành cho trẻ vị thành niên mang thai và bà mẹ tuổi teen tiếp cận giáo dục. Chính phủ cũng ban hành các hỗ trợ cần thiết dưới sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cho nhóm đối tượng này.
Gần đây, Cộng hòa Trung Phi đã hợp thức hóa các biện pháp hỗ trợ giáo dục. Theo Điều 72 của Bộ luật Bảo vệ Trẻ em, học sinh mang thai được đảm bảo cơ hội trở lại trường tiểu học hoặc trung học.
Ít nhất năm quốc gia châu Phi cận Sahara, bao gồm Mozambique, Zimbabwe, Sierra Leone, Uganda, Sao Tomé và Principe, đã bãi bỏ, ban hành luật hoặc chính sách cho phép học sinh mang thai và bà mẹ vị thành niên tiếp tục đến trường.
Hay chính sách “Hòa nhập triệt để” của Sierra Leone, ban hành vào tháng 3/2021, tái khẳng định quyền được giáo dục của các bà mẹ tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên mang thai.
Ngoài ra, nước này quy định rằng phụ nữ trẻ có thể tiếp tục đi học khi họ đang mang thai và trở lại khi họ sẵn sàng làm việc đó mà không phải tuân thủ các yêu cầu khó khăn, nghỉ thai sản bắt buộc hoặc đối mặt với các hạn chế khác.
Ngoài các chính sách, luật cụ thể, các quốc gia châu Phi cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ trẻ em gái trong giáo dục. Nhiều quốc gia xây dựng chương trình bữa ăn miễn phí tại trường, cung cấp cho trẻ em theo học tại các trường công lập một bữa ăn nóng sốt hàng ngày.
Chương trình không chỉ loại bỏ rào cản tài chính trong học tập mà còn giúp giảm thiểu tình trạng kết hôn sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên.
Bước sang năm 2023, chính phủ các nước châu Phi, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ dự kiến giới thiệu các chương trình đào tạo nghề dựa trên kỹ năng dành cho trẻ em dưới 18 tuổi. Chương trình này lấy cảm hứng từ bối cảnh châu Phi sắp gia tăng dân số trong độ tuổi lao động.
Do đó, bên cạnh giáo dục, việc đào tạo kỹ năng nghề cho trẻ em gái tuổi đi học có thể giúp các em nâng cao kỹ năng làm việc độc lập ngoài trường học.
Các khóa đào tạo có thể tổ chức vào ngày nghỉ học, cuối tuần với đa dạng nội dung như làm đồ trang sức, đan lát, may quần áo, làm bánh hay thiết kế đồ họa... Điều này góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định và từng bước nâng cao vị thế của người phụ nữ trong thị trường việc làm và kinh tế - xã hội châu Phi.