Sau giờ học ở trường, nhìn trời mưa tầm tã, cậu học trò lớp 3 nói với cô giáo về ý định muốn chạy ra ngoài rồi té đập đầu, để khỏi đi học thêm.
Câu chuyện trên được một giáo viên trường tiểu học tư thục ở TPHCM chia sẻ tại một tọa đàm về áp lực học tập ngày nay.
Cậu học trò học lớp 3, cô từng dạy em môn mỹ thuật năm lớp 2. Tất cả các ngày trong tuần, sau giờ học ở trường, em đều được bố mẹ đưa đến các lớp học thêm các môn văn hóa, tiếng Anh và các môn năng khiếu đàn, nhạc, võ... Kể cả 2 ngày cuối tuần, lịch học cũng kín mít.
Năm lớp 2, khi thấy em này đi học thêm quá nhiều, cô giáo từng trao đổi với phụ huynh nhưng họ gạt đi, cho rằng… con mình ham chơi lắm và "đó là việc riêng của gia đình".
Hôm đó, trời mưa tầm tã. Sau giờ học, sân trường chỉ còn cô và vài học sinh, có cả em học sinh kia. Em đang chờ người thân đến đón để di chuyển đến lớp học thêm. Em than đói. Cô lục trong túi xách có mấy chiếc bánh gạo đưa cho em.
Bất chợt, cậu học trò nói với cô: "Cô ơi, cô điện cho mẹ con, nói hôm nay cho con nghỉ học thêm được không? Con chán quá!".
Cô giáo có chút bối rối, rồi thừa nhận với em học trò rằng, mình không có quyền can thiệp vào vấn đề này. Hiện tại, cô không còn phụ trách ở lớp em.. Cô liền gợi ý: "Hay con thử chủ động nói về mong muốn của mình với ba mẹ xem, ba mẹ sẽ nghe mình để có điều chỉnh phù hợp".
Lúc này, em học trò gạt đi ngay: "Không được đâu cô ơi! Ba mẹ con nói, muốn vào được các trường top trên thế giới thì phải học thật giỏi, phải biết đàn, biết nhảy".
Nữ giáo viên bần thần… Khi cô đang chưa biết phải nói thế nào thì bất ngờ em học sinh bày tỏ: "Giờ con muốn chạy ra ngoài trời mưa, rồi té đập đầu một cái. Thế là con sẽ không phải đi học thêm nữa!".
Trên đường về hôm đó, nước mắt của cô giáo trẻ hòa trong nước mưa…
Đâu chỉ riêng em học trò này, biết bao nhiêu đứa trẻ sau giờ học chính khóa ngày 2 buổi ở trường, chiều tối lại tiếp tục lao vào những lớp học thêm cho đến đêm mới trở về nhà.
Hình ảnh học trò ngồi sau xe máy ăn tạm, uống vội ngay trên đường phố để "chạy sô" trên các lớp học thêm đã quen thuộc đến mức được chấp nhận là bình thường.
Phía sau đó là giờ giấc và các nhu cầu sinh hoạt, gắn kết cơ bản nhất của một con người bị tước bỏ, đánh đổi.
Mới đây, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở đang lấy ý kiến về việc cấm các hoạt động dạy thêm sau 8h tối.
Theo ông Minh, họ cân nhắc đến các yếu tố về sức khỏe, tâm lý và nhu cầu của con trẻ. Hầu hết học sinh ở TPHCM đã học 2 buổi/ngày, các em cần kết thúc việc học trước 8h tối để còn thời gian nghi ngơi, tương tác với gia đình.
Đặc biệt, với học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, ông Minh mong muốn bố mẹ đừng bắt con đi học thêm các môn văn hóa. Sau giờ học, các em cần được về nhà thoải mái vui chơi, gắn kết các hoạt động cùng gia đình.
Sắp tới, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ có quy định khung về thời gian dạy thêm để học sinh có thời gian nghỉ ngơi, tương tác cùng gia đình.
Ông Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, TPHCM cho hay, đề xuất cấm dạy thêm sau 8h tối rất phù hợp khi học sinh hiện nay có quá ít thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, gắn kết.
Hiện nay, tham gia 2 buổi/ngày, 7h sáng học sinh đã có mặt ở trường và học cả ngày. Sau giờ học chính khóa, nhiều em tiếp tục đến lớp học thêm, mỗi tối có khi học 2 ca. Về nhà khi đã rất trễ, tranh thủ làm vệ sinh cá nhân, các em lại phải làm bài tập tới khuya.
Ông Bảo cho hay, thời gian học dày đặc, học sinh không có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, thể thao… dẫn đến tình trạng quá tải, nhiều em rơi vào tình trạng chán nản, buông xuôi.
Việc không dạy thêm sau 8h tối dù chỉ là điều chỉnh về mặt thời gian, còn áp lực học tập với học sinh vẫn còn đó nhưng theo ông Bảo, chí ít các em cũng được về nhà sớm hơn, có thêm thời gian cho mình.
Và hơn hết, ông cho rằng, qua đó để phụ huynh hiểu rằng con em mình cần nghỉ ngơi, học thêm không phải là học chính để có cách điều chỉnh và có kế hoạch học tập phù hợp hơn.
Còn hiện nay, ông Bảo cho rằng, nhiều bố mẹ xem học thêm là học chính và đẩy con vào "vòng xoay".