Nếu triển khai sẽ vừa có mặt thuận lợi nhưng lại vướng một số khó khăn. Thuận lợi là đã có chủ trương và sự chỉ đạo. Hơn nữa, trong công tác giáo dục học sinh, sinh viên, việc tổ chức trò chơi dân gian là việc làm của mỗi nhà trường. Nay đưa trò chơi dân gian vào giờ Thể dục đòi hỏi giáo viên phải nắm vững các trò chơi, hướng dẫn để học sinh biết cách chơi.
“Hơn nữa, để các em chơi một cách tự nhiên nhất, không mang tính ép buộc thì người dạy phải tìm ra cách tổ chức chơi hấp dẫn. Điều này đòi hỏi mỗi thầy cô dạy Thể dục phải tâm huyết, sáng tạo. Mặt khác, việc tổ chức các trò chơi dân gian cần mang tính tập thể (nhảy dây, kéo co...). Vậy sân bãi, không gian các nhà trường có đảm bảo an toàn để trẻ chơi các trò này không?
Một khó khăn nữa theo cô Dung là ở học sinh. Thời đại công nghệ, nhiều em đam mê trò chơi liên quan đến công nghệ. Việc “kéo” học sinh đến với trò chơi dân gian cần sự vào cuộc của tất cả giáo viên nhà trường cũng như sự đồng hành của cha mẹ học sinh. Do đó, khi thực hiện, các trường phải có sự tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp với thực tế” - cô Dung đặt vấn đề.
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhất trí với chủ trương của TP Hà Nội khi dự kiến đưa một số trò chơi dân gian vào hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường. Ông cho rằng, trò chơi dân gian còn có thể lồng ghép vào nhiều hoạt động khác như Kỹ năng sống, Giáo dục địa phương, Lịch sử. Ví dụ, trò chơi mô phỏng hình tượng cậu bé Đinh Bộ Lĩnh dùng cờ lau để tập trận – người sau này đã có công dẹp loạn 12 sứ quân để lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Đinh Tiên Hoàng.
Đưa trò chơi dân gian vào hoạt động giáo dục thể chất giúp nâng cao thể chất cho học sinh, thể chất cũng là một khía cạnh của văn hóa. Việc này tạo điều kiện để phát triển tinh thần và giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc. Thông qua các trò chơi, trẻ được mở mang trí tuệ, như chơi Ô ăn quan thì phải tính toán thế nào cho hợp lý.
PGS.TS Lê Quý Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận, trước nay học sinh phổ thông phải học quá nhiều kiến thức. Sau 12 năm học phổ thông, tiếp theo là 4 năm học đại học nhưng chưa chắc mỗi em ra trường đều sử dụng hết tất cả những kiến thức cả phổ thông lẫn chuyên ngành.
Vì vậy, ngành Giáo dục của Thủ đô cần phải tính toán cho thấu đáo xem nên đưa trò chơi nào vào môn Giáo dục thể chất hay các hoạt động giáo dục khác. Thời lượng là bao nhiêu, có đủ nhân lực và vật lực để giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh hay không? Nói như vậy cũng phải hiểu rằng, việc này phải được văn bản hóa và mang tính bắt buộc tới các nhà trường. Làm sao để thông qua những trò chơi đó, học sinh tìm được niềm vui mang tính sáng tạo.
“Muốn làm tốt và không hình thức, tôi nghĩ chắc chắn cơ quan quản lý mà trực tiếp là Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ phải tính toán, cân nhắc thật kỹ để đưa ra một lộ trình thực hiện rõ ràng. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này trên bình diện tổng thể chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi phát triển thể chất học sinh. Trường chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể lồng ghép một số trò chơi dân gian như Kéo co, Đập niêu đất, Bịt mắt bắt vịt, Bịt mắt đánh trống, Ô ăn quan... Học sinh vô cùng hào hứng khi tham gia bởi các em được vui chơi, thể hiện khả năng của mình cũng như hiểu thêm về văn hóa dân tộc”, thầy Nguyễn Cao Cường cho biết thêm.