Đừng 'dập lửa trên ngọn'

19/12/2023, 07:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là giáo viên, tôi thực sự đau lòng và buồn vô cùng khi mấy ngày hôm nay đọc câu chuyện về một nhóm học sinh lớp 7 với cô giáo ở Tuyên Quang.

dung-dap-lua-tren-ngon-3737-3778.jpg
Người thầy giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề thì mới đào tạo nên những học trò ngoan, tử tế. Ảnh: INT

Cộng đồng mạng, rồi báo chí với nhiều ý kiến khác nhau, người trách học sinh, kẻ chê cô giáo. Có người thì nhân danh này... nọ lên giọng tố cáo xã hội từ trên xuống dưới, từ ngành nọ đến ngành kia làm hỏng các thế hệ học sinh... Nhiều ý kiến trái chiều, đan xen nhau. Nhưng cho dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa thì hành vi kiểu “đánh hội đồng” của học sinh đối với cô giáo là quá hỗn láo và mất nết.

Cô giáo cũng có thể sai? Cô giáo sai học sinh có quyền báo cáo với nhà trường, hội phụ huynh… và thậm chí kiện ra tòa. Nhưng không một lý do nào cho phép học sinh “đánh hội đồng” cô giáo.

Làm sao nên nông nỗi này?

Có rất nhiều vấn đề, nhưng tôi chỉ muốn nói tới “lỗ hổng” trong giáo dục đạo đức cho con trẻ từ phía gia đình và nhà trường.

Người xưa thường nói: “Ăn bát cơm ngon thì nghĩ ngay đến giống lúa, nhìn con thì biết đến mẹ cha”. Hay tục ngữ thường có câu “con dại, cái mang”, chính là lời nhắc nhở cho các bậc sinh thành rằng, sự dại dột, thiếu hiểu biết, bốc đồng và sai trái của mỗi đứa con thì người có lỗi lớn nhất chính là cha mẹ. Cũng giống như ý nghĩa của câu tục ngữ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, chỉ sự nuông chiều, yêu thương thái quá của ông bà, cha mẹ sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự hư hỏng của con cái.

Bố mẹ nào cũng yêu thương con mình, nhưng chính những sự “yêu” không đúng cách, sự nuông chiều và bảo vệ thái quá khiến con cái không thể trưởng thành, không biết phân biệt trái phải, không biết hành xử đúng đắn.

Vị trí thầy, cô giáo đã không còn độc tôn trong lòng các phụ huynh, học sinh như trước đây nữa. Nếu con họ gửi đến trường mà không toại nguyện là sẵn sàng đổ lỗi cho thầy cô và nhà trường. Việc gì chưa bằng lòng là họ sẵn sàng xỉ vả, sau lưng thầy cô nhưng lại ngay trước mặt con cái, với những ngôn từ thậm xưng. Họ cứ như vậy, mà đâu biết mỗi lời nói của mình đã gieo vào đầu con trẻ sự khinh miệt, coi thường thầy cô. Việc học hành và rèn luyện đạo đức cũng từ đó mà sa sút.

Khi một đứa trẻ trong lòng không tôn kính thầy cô thì làm sao nó nghe lời thầy cô được, làm sao ngồi trên lớp mà tiếp thu được bài giảng? Vì một quy luật tất yếu là đã không “yêu” thì làm sao mà “thích” cho được. Ngày xưa ông cha ta đã nhắc nhở: “Kính thầy mới được làm thầy” đó thôi.

Là một giáo viên, tôi hiểu hơn ai hết việc phụ huynh có tôn kính thầy cô thì con cái mới tôn kính theo. Mỗi đứa con đều là “gương phản chiếu” lại của các bậc cha mẹ. Những hành vi, lời nói, tư tưởng của bố mẹ luôn được con cái học theo và bắt chước.

Tôi còn nhớ khi học lớp 3, một hôm, đứa con trai của tôi về nói với mẹ là cô giáo bắt con viết bản tự kiểm điểm vì không hát Quốc ca trong giờ chào cờ. Tôi bảo cô con làm vậy là rất đúng. Con có biết vì sao các con phải hát Quốc ca không? Cháu không hiểu, và tôi đã giải thích cho con ý nghĩa của việc hát Quốc ca. Tôi bảo cháu tập hát cho thuộc bài Quốc ca, rồi hôm sau cùng con đến lớp xin lỗi cô giáo và nộp bản tự kiểm điểm. Tôi cảm ơn cô đã theo dõi rèn dạy cháu từ những việc nhỏ nhất.

Bố mẹ phải thực sự tôn trọng thầy cô thì con trẻ mới học theo làm được vậy. Tôn trọng thầy cô là biểu hiện của lòng biết ơn. Muốn dạy con ngoan, con hiếu thảo thì trước hết phải dạy con lòng biết ơn. Có như vậy con lớn lên mới thành người tử tế.

Người ta hay ví việc nuôi dạy con giống như trồng một cái cây non, phải cắt tỉa, uốn nắn ngay từ nhỏ thì cây mới thẳng, mới có công dụng, còn để khi cây lớn thì đâu còn uốn tỉa được nữa. Dạy con cũng vậy, phải “dạy con từ thuở còn thơ”, nếu gia đình không giáo dục, con cái sẽ mất định hướng, không biết cách ứng xử, đối nhân xử thế… lớn lên dễ nổi nóng, làm càn.

Qua đó ta càng thấy rõ được trách nhiệm lớn lao của gia đình, cha mẹ và cả ông bà trong việc giáo dục, nuôi dạy con cái.

Cùng với gia đình, nhà trường là cái nôi đào tạo con trẻ thành những con người tử tế. Muốn vậy, thì ta phải ghi nhớ lời dặn dò tâm huyết của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ hơn 40 năm trước: “Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”. Một câu nói giản dị, tường minh mà sâu sắc, thấm thía vô cùng. Ngày nay, trường lớp đã được xây dựng khang trang, thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại, học trò đi học mặc đồng phục đẹp. Tất cả về diện mạo có thể nói là khá đẹp. Chỉ cần phấn đấu “Thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học” cho chu toàn là đủ.

“Thầy ra thầy”, không chỉ là người có đủ bằng cấp, mà còn là một người thầy có đủ “NHÂN TÂM”. Quyền uy của người thầy nằm ở nhân cách, tình yêu thương học trò và trình độ học vấn. Chính điều đó là sợi dây bền chặt nhất kết nối tình nghĩa thầy trò. Có thể ví như khi ta muốn làm sạch một cái bát thì trước hết cái khăn lau bát phải sạch sẽ nếu không sẽ dây bẩn sang bát.

“NHÂN TÂM” của người thầy thể hiện ngay trong từng tình huống ứng xử sư phạm hàng ngày trước mắt học trò, trên lớp học và ngay cả trong đánh giá của cộng đồng. Hơn ai hết, người thầy phải là tấm gương mẫu mực để học sinh noi theo. Đối với mình, phải thể hiện những đức tính của một người có đạo đức, như yêu thương, bao dung, gần gũi học trò, xem trò như con; phải giữ chữ tín, đồng thời phải luôn cân nhắc khi hứa; biết lắng nghe và đặt mình vào vị trí của con trẻ để sẻ chia, đồng cảm và thấu hiểu các em. Có như vậy thì mình mới tưới tắm lên học sinh thấm được những điều hay, lẽ phải.

Người thầy giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề, với trò thì mới đào tạo nên được những học trò ngoan, tử tế biết “trên kính, dưới nhường”, sống có đạo đức, lễ nghĩa.

Mong rằng, gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay góp sức rèn dạy nên những thế hệ học sinh ngoan, để tạo nên được một cộng đồng sống tử tế, đầy đủ “đức, trí, lễ, nghĩa”.

Mong rằng, chúng ta đã nhận ra những “lỗ hổng” trong giáo dục con trẻ thì chúng ta sẽ có những giải pháp thiết thực. Tự bản thân mỗi người thầy, mỗi bậc cha mẹ hãy là một tấm gương mẫu mực để con trẻ noi theo. Như ca dao từng có câu: “Lá vàng là bởi đất khô/ Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Đừng có để đến khi xảy ra sự việc rồi mới ra quyết định kỷ luật giáo viên, trừng phạt học sinh. Đó chỉ là kiểu dập lửa trên ngọn mà thôi!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng 'dập lửa trên ngọn'