Burkina Faso phải chiến đấu với các nhóm vũ trang nổi dậy, một số có liên kết với tổ chức khủng bố al - Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ở vùng sa mạc phía bắc kể từ năm 2015.
Các cuộc tấn công trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, khiến Burkina Faso trở thành trung tâm của một phong trào bạo lực vốn "nhấn chìm" cả 2 nước láng giềng Mali và Niger trong bất ổn, khiến hàng nghìn người chết và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Các nỗ lực của quân đội nhằm giành lại các khu vực trong tay phiến quân thường dẫn đến bạo lực gia tăng nghiêm trọng.
Năm ngoái, có 2 cuộc đảo chính quân sự ở Burkina Faso. Sau cuộc đảo chính lần 2 vào tháng 10/2022, Burkina Faso yêu cầu binh sĩ Pháp rời khỏi quốc gia Tây Phi này trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa chính quyền quân sự và Paris.
Thiếu hụt nguồn cung và binh sĩ, chính quyền quân sự Burkina Faso phát triển lực lượng tình nguyện viên chiến đấu để hỗ trợ quân đội và cảnh sát. Họ chủ yếu là dân thường có vũ trang, giúp đỡ cảnh sát ở khu vực nông thôn phía bắc.
Sau khi Pháp rút binh sĩ khỏi Burkina Faso, chính quyền quân sự ở quốc gia Tây Phi đã tìm đến Nga để hợp tác quân sự. Một phái đoàn Nga đã hội đàm với Tổng thống lâm thời Burkina Faso Ibrahim Traoré vào tuần trước tại một cuộc họp, bao gồm các cuộc thảo luận về khả năng hợp tác quân sự, Guardian đưa tin.
Burkina Faso là một trong số các đồng minh của Niger, ủng hộ chính quyền quân sự trong cuộc đảo chính cuối tháng 7. Trước khả năng Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) can thiệp quân sự vào Niger, Burkina Faso và Mali tuyên bố bất kỳ động thái can thiệp quân sự nào vào Niger đồng nghĩa là chống lại các nước này.
Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Burkina Faso cùng Mali ngày 18/8 đã gửi chiến đấu cơ tới Niger trong một động thái thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ chính quyền quân sự ở nước này trước áp lực từ ECOWAS.