Chọn nghề và học cho mình
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Đào tạo kinh tế quốc tế, cơ cấu việc làm theo trình độ hiện nay vẫn chưa có sự cung ứng tương đồng. Đơn cử, nhu cầu nhân lực trình độ ĐH chiếm 28%, CĐ chiếm 20%, trung cấp 35%. Tuy nhiên hiện tại, CĐ mới đáp ứng được 8%, trung cấp đạt 6%. Vì vậy, không ít sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp buộc phải làm việc trái ngành, trái nghề đã học, khiến năng suất lao động không cao, lãng phí lớn tài nguyên, thời gian và công sức...
Bất cập từ việc chọn sai ngành nghề càng được thể hiện rõ nếu soi chiếu vào tỷ lệ sinh viên bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học tập hàng năm của các trường (từ 10 - 23%). Khảo sát sơ lược ở nhiều trường từ việc công khai việc làm của sinh viên sau ra trường cho thấy, tỉ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề, chuyên môn chỉ ở mức 50 - 60%, còn lại là không đúng ngành nghề. Bất cập trên có thể xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động, nhưng theo TS Trần Đình Lý, ít nhiều cho thấy sự “chông chênh” trong định hướng, chọn ngành, chọn nghề của người học.
“Thực tế có hơn 15% - 20% sinh viên ra trường mới nhận biết mình chọn sai nghề. Khi bản thân còn mơ hồ giữa chuyên ngành học và công việc thực tế sau này, họ sẽ phải trả cái giá đắt. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp sai. Bởi lẽ khi quyết định theo học một ngành nào đó, các bạn trẻ thường không đánh giá đúng giá trị bản thân, không tự lượng được khả năng, tố chất của mình. Song song đó, họ cũng không hiểu rõ nguồn thông tin về ngành sẽ học cũng như khi ra trường sẽ làm công việc gì, đặc thù của nghề ra sao”, TS Lý chia sẻ.
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), số sinh viên bỏ học, bị buộc thôi học hằng năm khá nhiều. Trong số này có không ít sinh viên không thích ngành học. PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo cho rằng: Sinh viên chọn sai ngành học do cha mẹ ép con chọn ngành theo ý mình vẫn còn rất nhiều và chiếm tỷ lệ cao. Điều này khiến xác suất thí sinh phải chọn ngành không theo sở trường và mong muốn của mình cũng tăng theo.
Chuyên gia Tư vấn hướng nghiệp, TS Tâm lý Đào Lê Hòa An thì cho rằng, hệ lụy của việc chọn ngành, chọn nghề sai của học sinh không chỉ lãng phí thời gian, tiền bạc, thanh xuân mà còn khiến các bạn bắt nhịp với thị trường lao động bằng sở đoản.
“Điều này khiến các em tụt lại, chậm hơn người khác bởi bắt đầu mọi thứ ở thế chông chênh và không thuộc sở trường. Vì vậy, tôi cho rằng việc chọn ngành, nghề các bậc cha mẹ hãy để cho học sinh tự lắng nghe và trả lời các em cần gì, muốn gì và thích gì. Việc định hướng nghề nghiệp cho con chỉ nên đứng ở vai trò khuyến khích, tham vấn dựa trên thế mạnh nổi trội và đam mê của con thay vì đó là sự ép buộc”, TS An chia sẻ.