Những chiến thắng bất ngờ có làm cho chúng ta quá sung sướng mà quên mất vì sao lại có những kết quả đó. Thực sự là nhiều câu hỏi vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Nhiều người đánh giá đó là sự lóe sáng. Nhưng chiến thắng một lần là may mắn, hai lần là thực lực và ba lần là đẳng cấp. Tại sao tuyển Việt Nam vào đến vòng loại World Cup 2022 ngay trước đó, với dàn hảo thủ mà không phải ai cũng dễ dàng bắt nạt, lại không thành công AFF Cup 2020 và 2022? Những nghi ngờ xuất hiện, phải chăng chúng ta quên mất bóng đá Việt Nam hiện thực đang ở đâu và đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là gì vẫn là những câu hỏi? Trong khi chỉ có sự ổn định, tìm ra công thức thì mới mang lại đẳng cấp thực sự của bóng đá Việt Nam.
Thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, chất lượng giải đấu quốc nội, tiềm lực về kinh tế… nếu chỉ làm một phép so sánh qua về những yếu tố trên để nói về mức độ phát triển của bóng đá thì Việt Nam không thể cạnh tranh top 10 châu Á. Nhưng bóng đá là trò chơi của 11 người trên sân và luôn có giải pháp tốt cho những tình huống, chúng ta sẽ vẫn đạt được mục tiêu của mình. Cực đại những gì mình đang có, đang sở hữu cho nó bùng nổ vào giải đấu, không thể thay đổi những nhược điểm trong ngắn hạn vv.. đó có thể là bí quyết mà ông Park đã dùng trong suốt 5 năm vừa qua. Tất nhiên, đó chỉ là một ví dụ về cách làm.
Bóng đá là trò chơi của cảm xúc, nhưng chỉ cho khán giả, còn với nhà chuyên gia, làm bóng đá, nó là khoa học, là con số, dữ liệu và phân tích, đánh giá. Bạn có thể tin rằng chúng ta sẽ dự đoán được ngôi sao nào sẽ chấn thương trận đấu này bằng cách chỉ cần nhìn vào chỉ số phân tích GPS mà cầu thủ ấy thể hiện mang ở trận trước? Hay cũng có thể dự đoán được vị trí của cầu thủ sẽ ghi bàn nhờ vào những chỉ số sức khỏe của anh ta gần đây? Chuyện đó bây giờ không còn là xa lạ nữa. Thời gian tập trung, cách quản trị cầu thủ, xử lý tình huống trên sân, xây dựng đội hình, lên đấu pháp, cách kích thích tinh thần… một khối di sản phi vật thể mà 5 năm đội tuyển Việt Nam đã để lại cần khai thác triệt để trong quãng đường sắp tới.
HLV Park để lại di sản lịch sử cho bóng đá Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng. |
Quá khứ là dữ liệu, dữ liệu nó là con số biết nói và đầy quyền lực. Tổng kết quá khứ sẽ tìm ra con đường mới chúng ta sẽ đi. Bởi không ai có đủ tài năng toàn diện đến mức để bước đi mà không kế thừa những gì đã có. HLV Park ra đi và để lại một di sản lịch sử cho bóng đá Việt nam, nhưng cũng để lại hàng trăm câu hỏi, thậm chí là áp lực, nhưng câu hỏi đáng giá nhất là khai thác nó như thế nào. Bởi bây giờ dù không còn ông Park, chúng ta sẽ vẫn phải tiếp tục công việc của mình. Chiếc máy bay mang tên Việt Nam đã cất cánh, nhưng như quy luật thường niên, nó luôn phải thay thuyền trưởng. Những người còn lại - những người Việt - sẽ phải gánh vác, tiếp tục phát huy và bước tiếp.
Trong một lần ngồi tâm sự với ban huấn luyện, ông Park tâm sự chân tình: "Nói cho cùng, chúng tôi chỉ là người nước ngoài thôi, chúng tôi có thể giúp các anh, chứ động lực chính của sự phát triển lâu dài của bóng đá Việt Nam thì các anh sẽ phải là người gánh vác. Các anh sẽ phải nỗ lực, chịu trách nhiệm cho bóng đá Việt nam trong tương lai, bóng đá Việt Nam là của các anh chứ không ai có thể làm thay được".
Di sản của thế hệ Park Hang Seo trong 5 năm qua rõ ràng là một tài nguyên cực kỳ đáng giá, là tài sản rất quý giá, nhưng cùng với thời gian nó thành quá khứ. Đừng để di sản đó chỉ là những tấm huy chương nằm sâu trên phòng truyền thống. Di sản là thứ chúng ta khai thác và từ đó tìm ra công thức thành công, chứ không phải là thứ chúng ta để hoài niệm. Đó là cách tốt nhất để nhớ đến HLV Park thay vì cứ luyến tiếc mãi ông.