Đường huyết người phụ nữ tăng vọt khi thấy…kim tiêm

19/12/2023, 10:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Người phụ nữ nhập viện trong tình trạng sụt cân nhanh, cơ thể mệt mỏi, thường xuyên khát nước. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tăng đường huyết mức độ nặng, nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng. Nguyên nhân người bệnh không thể kiểm soát được đường huyết là do tâm lý sợ kim tiêm.

Ngày 18/12, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.T.L (46 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Dương). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng cơ thể sụt cân nhanh, thường xuyên mệt mỏi.

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía người bệnh ghi nhận, nữ bệnh nhân có người thân bị đái tháo đường, tiền sử của bệnh nhân bị đái tháo đường thai kỳ kèm tăng huyết áp.

Sau khi sinh con, chị L không theo dõi đường huyết và không kiểm soát cân nặng dẫn đến mắc đái tháo đường tuýp 2. Bệnh nhân đã điều trị đái tháo đường 3 năm qua, tuy nhiên bệnh diễn tiến ngày càng nặng. Gần đây, chị L tiêm insulin để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, do tâm lý sợ kim tiêm, chị đã không thực hiện đúng thao tác và liều lượng, dẫn đến không thể kiểm soát được đường huyết.

Đường huyết người phụ nữ tăng vọt khi thấy… kim tiêm - 1
Một trường hợp bị tiểu đường điều trị nội trú tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (ảnh: BVCC)

Tại phòng khám khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh nhân L được bác sĩ chẩn đoán bị tăng đường huyết nặng, nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm.

Sau 1 tuần điều trị, các bác sĩ đã điều chỉnh liều insulin, kết hợp theo dõi liên tục cho người bệnh, từng bước đưa chỉ số đường huyết về mức ổn định.

BS Mã Tùng Phát, khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường, bao gồm: Người trên 45 tuổi; gia đình có người thân bị đái tháo đường (bố, mẹ, anh chị em ruột); người ít vận động; chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế hoặc đường hấp thu nhanh.

Ngoài ra, những người có các bệnh đồng mắc như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì, người mắc bệnh lý buồng trứng đa nang, đái tháo đường thai kỳ, tiền đái tháo đường, người có bệnh lý tim mạch do xơ vữa động mạch cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

Từ trường hợp mất kiểm soát đường huyết trên, BS Hoàng Khánh Chi, khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược khuyến cáo, tiêm insulin là phương pháp điều trị đái tháo đường phổ biến hiện nay. Khi tự tiêm insulin tại nhà, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Trước tiên, cần kiểm tra và tiêm đúng theo liều lượng insulin mà bác sĩ đã kê toa. Thứ hai, thời gian tiêm insulin cần được tuân thủ để tránh nguy cơ hạ đường huyết.

Đặc biệt, người bệnh cần học kỹ thuật tiêm insulin đúng để tránh tình trạng đau, sưng hoặc nhiễm trùng tại vị trí tiêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường huyết người phụ nữ tăng vọt khi thấy…kim tiêm