Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất, theo thầy Lê Quang Tùng là nỗ lực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, tạo nhiều hoạt động vui chơi… khiến các em thích đến trường hơn ở nhà. Điều này ngoài sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, tâm huyết của mỗi thầy cô là vô cùng quan trọng.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tạo (TP Cà Mau, Cà Mau) mang theo vỏ lon đến trường để gây quỹ. Ảnh: gdtd.vn |
“Trước Tết, hầu hết học sinh của trường đều nhận được những phần quà ý nghĩa từ các đoàn từ thiện. Sau Tết, nhà trường tổ chức trò chơi, tiệc ngọt nhỏ, học sinh đến trường được vui chơi, ăn bánh kẹo nên rất hào hứng. 100% học sinh được nhận trợ cấp của Nhà nước cũng là động lực quan trọng để cha mẹ cho các em đến trường.
Nhà trường luôn ý thức việc duy trì sĩ số cần phải đặt lên hàng đầu. Học sinh có đến lớp mới có thể bảo đảm được chất lượng giáo dục. Do đó, nhà trường gắn việc này với tiêu chí thi đua của giáo viên; đưa vào quy định chuyên môn, đánh giá cuối năm…”, thầy Lê Quang Tùng cho biết thêm.
Là huyện vùng khó của Nghệ An, mấy năm gần đây, tình hình học sinh vắng học, bỏ học sau Tết Nguyên đán tại huyện Kỳ Sơn có chiều hướng giảm, đặc biệt là học sinh THCS.
Theo ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, để giảm thiểu tình trạng học sinh chậm đến trường, bỏ học sau Tết Nguyên đán, phòng GD&ĐT đã yêu cầu hiệu trưởng các trường tham mưu UBND xã, thị chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng, hành động trong việc vận động học sinh đi học, chống học sinh bỏ học, đặc biệt sau các dịp lễ, Tết.
Trước nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường bàn giao học sinh về các xã, thị trấn, bản làng để thống nhất quản lý. Sau Tết Nguyên đán, tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ thể thao, hoạt động ngoại khóa nhằm thu hút học sinh đến trường; đề xuất các giải pháp vận động học sinh đi học, chống học sinh bỏ học sau Tết.
Khi có biến động về số lượng học sinh sau Tết Nguyên đán, nhà trường tham mưu chính quyền địa phương thành lập ban vận động, đến tận từng gia đình nắm bắt thông tin, tìm hiểu nguyên nhân để có các giải pháp tương trợ, giúp đỡ, vận động. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh chậm đến trường, bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Các nhà trường cũng tăng cường công tác kiểm tra nắm bắt thông tin tại địa bàn, kịp thời tham mưu xử lý các đối tượng dụ dỗ, lôi khéo học sinh bỏ học đi làm, hiện tượng tảo hôn tại địa phương. Thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ đối với trẻ em trong đó có quyền được đi học được quy định tại Luật Giáo dục và Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em. Tổng hợp, báo cáo về phòng GD&ĐT khi có hiện tượng biến động bất thường về sĩ số học sinh trên địa bàn.
Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc duy trì sĩ số học sinh. Thầy cô cần nắm vững số lượng học sinh của từng bản làng để phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cấp hội có giải pháp vận động trẻ đến trường; nắm rõ tình hình thực tế để có giải pháp giúp đỡ các em trong học tập cũng như cuộc sống hằng ngày. Thầy cô cũng cần tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, giáo dục kỹ năng… tạo sân chơi bổ ích để thu hút học sinh đến trường. Ông Phạm Viết Phúc