Sau Thượng đỉnh Hòa bình đầu tiên về Ukraine được tổ chức tại Thụy Sĩ hồi giữa tháng 6, đại diện Liên minh châu Âu (EU) mới đây ra tuyên bố liên quan tới công thức hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine - Nga, khẳng định khối sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev về nhiều mặt.
Euronews hôm 11/7 (giờ địa phương) dẫn lời Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cho hay, khối này chỉ ủng hộ một kế hoạch hòa bình duy nhất là công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Borrell nêu rõ: "Đây là quan điểm của EU. Với EU, không có kế hoạch nào khác ngoài kế hoạch hòa bình của ông Zelensky. Liên minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine".
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga rơi vào bế tắc kể từ tháng 3/2022 sau khi Kiev bất ngờ rút khỏi đàm phán do bất đồng về các điều khoản với phía Moscow. Cuối năm 2022, ông Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Putin.
Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell. Ảnh: EPA
Được biết, công thức hòa bình 10 điểm của ông Zelensky có điều khoản yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991. Kiev coi đây là nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào với Moscow.
Trong khi đó, Nga cáo buộc công thức hòa bình của ông Zelensky là tối hậu thư và khẳng định không thương lượng dựa trên phương án này. Phía Nga nhấn mạnh rằng mọi đàm phán phải dựa trên thực tế mới về lãnh thổ, nghĩa là Ukraine phải công nhận 4 tỉnh mà Nga đã sáp nhập cũng như từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hôm 11/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin tuyên bố với RT, Moscow không chấp nhận tối hậu thư và sẽ không tham gia Hội nghị Thượng đỉnh mới về Ukraine lần 2. Ông Galuzin cáo buộc Ukraine coi thường các sáng kiến của Moscow nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong một diễn biến khác, Ukraine hôm 10/7 hé lộ kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản đóng băng của Nga. Theo đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov thông tin trên facebook cá nhân rằng Kiev sẽ sử dụng khoản này để mua sắm đạn dược cũng như các hệ thống phòng không. Kiev dự kiến sẽ nhận được khoảng 2,72-3,26 tỷ USD.
EU và Mỹ đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga ngay sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào đầu năm 2022.
Theo quyết định hồi tháng 5 của Hội đồng châu Âu, 90% lợi nhuận từ các tài sản đóng băng sẽ được chuyển sang Quỹ Hòa bình châu Âu, cơ chế của khối để hoàn trả cho các quốc gia thành viên số tiền đã chi vào việc cung cấp vũ khí cho Kiev, sau đó chuyển sang Quỹ Hỗ trợ Ukraine mới thành lập. Và 10% còn lại được chuyển vào ngân sách EU để hỗ trợ tái thiết Ukraine cũng như ngành công nghiệp quốc phòng của khối.
Nga đã nhiều lần chỉ trích sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, cho rằng điều này chỉ khiến xung đột leo thang và kéo dài.