Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 1: Gác kèo ong từ thuở cha ông đi mở cõi

26/05/2023, 13:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ai đã từng mê rừng U Minh qua các trang viết của nhà văn Sơn Nam, Đoàn Giỏi, hẳn khó quên được cảnh rừng một màu trắng bông tràm với "muôn ngàn hũ mật ong của trời ban xuống cho trần gian còn treo lủng lẳng như mù sương".

Tổ ong trên kèo đang được dân U Minh lấy - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Tổ ong trên kèo đang được dân U Minh lấy - Ảnh: NGUYỄN THANH DŨNG

Nghề truyền thống hài hòa thiên nhiên

Một dân cố cựu nữa ở Cà Mau cũng hào hứng trò chuyện với chúng tôi về nghề gác kèo ong là tiến sĩ Quách Văn Ấn, phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau. Ông chính là trưởng nhóm nghiên cứu "Khôi phục nghề truyền thống gác kèo ong vùng U Minh Hạ" đã được UNESCO tài trợ hơn 10 năm trước. "Ban đầu, họ tài trợ 10.000 USD để mình bắt đầu thực hiện đề tài", tiến sĩ Ấn kể.

Theo ông Ấn, rừng U Minh Hạ là nơi có diện tích tràm tập trung rất lớn, hơn 40.700ha tập trung ở các xã Khánh Lâm, Khánh An và Nguyễn Phích (huyện U Minh) và xã Khánh Bình Tây Bắc, Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) của tỉnh Cà Mau. Ước tính sản lượng mật ong của rừng tràm này tại thời điểm nghiên cứu lên đến khoảng 1.000 - 2.000 tấn mỗi năm.

"Người ta vẫn gọi là tràm cừ hay tràm nước, tên khoa học là Melaleuca cạjuputy. Còn con ong mật vùng rừng tràm U Minh chủ yếu là con ong khoái, tên khoa học là Apis dorsata. Con ong khoái phân bố nhiều nơi nhưng vùng rừng U Minh là có bông tràm nhiều nên ong khoái hay về làm tổ theo mùa tràm trổ bông", tiến sĩ Ấn nói thêm.

Từ việc thấy ong làm tổ trong tự nhiên dựa theo nhiều nhánh cây ngang, chảng ba hay cây ngã chéo, người xưa về đất này sống theo sản vật thiên nhiên như cá, tôm, rắn, rùa... đã bắt đầu gác kèo để ong về làm tổ.

Sau khi thích nghi với cuộc sống vùng đất ngập nước và hệ sinh thái rừng tràm, nơi "muỗi bằng gà mái/ cọp tùa bằng trâu", nghề gác kèo ong đã được tích lũy dần dần để trở thành cả một nghề rất khoa học dựa theo tập tính của con ong khoái và đảm bảo hài hòa với thiên nhiên, hưởng lợi bền vững...

Theo tư liệu của tác giả Nghê Văn Luơng - Huỳnh Minh trong sách Cà Mau xưa (NXB Thanh Niên, 2003) thu thập từ nửa thế kỷ trước, thì ngoài việc lấy mật ong, các xác ổ ong còn lại gọi là "mứt", cạy đem về gỡ ong non ra làm gỏi, trộn với bắp chuối và rau răm là món ăn tuyệt vời cho người ưa lai rai.

Nhằm người ăn không hạp, môi và mặt mày sưng vù lên, trong mình ngứa nhưng vài giờ thì hết. Sau khi gỡ hết ong non, người ta đem cái "mứt" nấu trong chảo cho sáp chảy lỏng, đổ vào tô hay chén lớn, sau khi lược sạch sẽ, đến khi nguội và đặc lại, thì đổ ra.

Một tô sáp như vậy gọi là một "bánh sáp", còn hai bánh úp mặt lại gọi là một "nan sáp". Sáp thường dùng để xe thành đèn cây lớn, có lăn son thắp trên bàn thờ ông bà khi làm lễ cưới hỏi hoặc trong dịp cúng tế thánh thần.

------------------------

Nghề gác kèo ong xem chừng đơn giản mà kể chi tiết thì mấy ngày hổng hết. Chỉ việc chọn trảng, cách gác kèo để con ong chịu về làm tổ, chuyện đã hết một buổi lai rai.

Kỳ tới: Bí quyết chọn trảng, gác kèo

Theo tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/gac-keo-ong-chuyen-co-tich-co-that-o-rung-u-minh-ky-1-gac-keo-ong-tu-thuo-cha-ong-di-mo-coi-20230526113148379.htm
Copy Link
https://tuoitre.vn/gac-keo-ong-chuyen-co-tich-co-that-o-rung-u-minh-ky-1-gac-keo-ong-tu-thuo-cha-ong-di-mo-coi-20230526113148379.htm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gác kèo ong - chuyện cổ tích có thật ở rừng U Minh - Kỳ 1: Gác kèo ong từ thuở cha ông đi mở cõi