Gác lại công việc nương rẫy nhiều cặp vợ chồng cần mẫn đến lớp học xoá mù chữ

20/12/2023, 18:04
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đều đặn 19 giờ hàng ngày nhiều cặp vợ chồng ở bản người Dao, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, lại cùng nhau đến lớp học chữ.

Mở lớp trên bản người Dao

Theo đó, thời gian qua, bà con các dân tộc Mông, Dao, trên địa bàn huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành mở lớp, dạy chữ xóa mù, giúp đồng bào tiếp cận với những kiến thức khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế, xây dựng làng, bản. Cũng qua những buổi học như thế, những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được bà con nhận thức ngày một đầy đủ hơn.

Điểm trường Bản Lồm xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn đều đặn mỗi tối, từ thứ Hai đến thứ Sáu, lại vang lên tiếng học vần của lớp học xóa mù chữ dành cho đồng bào người Dao trong bản. Đây cũng là lớp thứ 2 tại thôn được UBND xã phối hợp cùng Trung tâm học tập cộng đồng và trường Tiểu học Nam Cường tổ chức với mong muốn "gieo con chữ" cho bà con dân bản vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn này.

Đặc biệt hơn, trong số các học viên theo học lớp xoá mù chữ ở điểm trường Bản Lồm, có nhiều cặp vợ chồng cùng nhau cắp sách đến trường.

Anh Đặng Quản Học (SN 1981) và chị Phùng Thị Tạng (SN 1975) là một trong số những học viên đặc biệt của lớp học này. Hai anh chị lấy nhau trong gian khó, gia đình hiện vẫn đang là hộ nghèo, cuộc sống khó khăn, vất vả, chỉ trông chờ vào việc hái măng, nhặt củi để sống qua ngày. Tuy nhiên, khi được vận động tham gia lớp học xoá mù chữ và thấy được lợi ích từ việc đi học, cả hai anh chị đã gác lại những công việc thường ngày, cùng nhau mang sách bút tới lớp.

Anh Quản bảo rằng, cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ gia đình nghèo lắm nên không được đến lớp học. Lớn lên, lập gia đình, xoay sở cho cuộc sống hàng ngày rồi lo cho các con nên hai người cũng quên luôn việc đến lớp.

Giờ đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, đi học được nhà nước cho sách, vở bút lại còn có thêm tiền hỗ trợ vợ chồng tôi đã đăng ký tham gia ngay. Mong rằng, học xong chúng tôi sẽ có hiểu biết hơn để xây dựng và phát triển kinh tế gia đình cho đỡ khổ.

Bà con thôn Bản Lồm, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn tham gia lớp học xoá mù chữ đầy đủ với mong muốn thông qua lớp học này bà con sẽ biết đọc, biết viết, biết tính toán từ đó cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn.
Bà con thôn Bản Lồm, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn tham gia lớp học xoá mù chữ rất chuyên cần với mong muốn thông qua lớp học này bà con sẽ biết đọc, biết viết, biết tính toán từ đó cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn.

Vượt khó đến lớp

Đồng quan điểm với anh Học, chị Tạng năm nay đã gần 50 tuổi, việc học chắc chắn sẽ có không ít khó khăn, thế nhưng cả hai vợ chồng cùng đồng lòng đi học với mục tiêu khi biết đọc biết viết cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay và việc dạy bảo con cái cũng sẽ dễ dàng hơn.

Chị Tạng chia sẻ: Tôi gần 50 năm nay mới biết cầm bút viết, dù khó khăn, gượng gạo nhưng nhờ các thầy cô nhiệt tình chỉ dạy tôi đã biết cách cầm bút sao cho đúng, việc đánh vần cũng rất khó khăn, nhưng đến nay sau một thời gian tới lớp đều đặn nhưng tôi đã biết viết tên mình, mặc học chữ khó lắm, nhưng đã theo thì phải quyết tâm thôi.

Vượt qua những khó khăn về điều kiện đi lại, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán... những thầy cô giáo vẫn đêm đêm kiên trì bán trường, bám lớp, uốn nắn từng nét chữ, luyện từng âm, vần cho những “học trò” đặc biệt này. Những đôi bàn tay chỉ quen cầm dao, cầm cuốc, lên nương lên rẫy… Đêm về lại vật lộn với nét thanh, nét đậm của con chữ, phép tính. Nhưng họ rất vui, khi lần đầu tiên có thể đọc được cả một khổ thơ dài.

Bên cạnh việc dạy xóa mù cho bà con nhân dân, các thầy cô giáo còn thực hiện tốt công tác bám bản, bám dân, giúp nhân dân địa phương xóa đói giảm nghèo, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tham gia xây dựng củng cố hệ thống cơ sở chính trị địa phương; tuyên truyền cho nhân dân, chấp hành nghiêm các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước.

Lớp học xoá mù chữ ở thôn Bản Lồm, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn có tổng số 27 học viên, học viên của lớp chủ yếu là bà con người Dao, độ tuổi từ 29 đến 59 và đa phần là lao động chính trong các gia đình. Lớp học được tổ chức từ 19 – 22 giờ tối, từ thứ hai đến thứ 6 hàng tuần, mỗi tối có 5 tiết, 1 tiết tiếng Việt và 1 tiết Toán.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gác lại công việc nương rẫy nhiều cặp vợ chồng cần mẫn đến lớp học xoá mù chữ