Gánh lo toan cho mảnh đời bất hạnh

Đức Hạnh | 15/05/2022, 09:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ năm 2016 đến nay, cuộc sống của ba chị em mồ côi Vàng Thị Chá, xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) bước sang trang mới khi được Đồn Biên phòng Phó Bảng (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang) nhận về nuôi dưỡng.

Những người lính Đồn Biên phòng Phó Bảng chăm sóc, dạy bảo 2 chị em Vàng Thị Chở, Vàng Thị Sáu sau giờ lên lớp. Ảnh: Đồn BP Phó Bảng cung cấp.Những người lính Đồn Biên phòng Phó Bảng chăm sóc, dạy bảo 2 chị em Vàng Thị Chở, Vàng Thị Sáu sau giờ lên lớp. Ảnh: Đồn BP Phó Bảng cung cấp.

Các em không chỉ được cắp sách tới trường, mà còn được sống dưới mái nhà với những cha nuôi luôn hết lòng yêu thương, chăm sóc.

Những mảnh đời “buồn”

Nơi biên cương bạt ngàn đá núi Hà Giang vẫn còn không ít những phận đời bất hạnh, những hoàn cảnh éo le. Ba chị em Vàng Thị Chá, Vàng Thị Sáu, Vàng Thị Chở, thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn là ví dụ điển hình.

Các em mồ côi cha từ năm 2014. Sau khi cha mất, mẹ cũng bỏ qua biên giới làm thuê, rồi lập gia đình riêng để mặc 3 đứa con côi cút. Gánh nặng vì thế đè lên đôi vai nhỏ của chị cả Vàng Thị Chá khi mới 12 tuổi. Em đã thay trách nhiệm người làm cha, làm mẹ chăm sóc hai em nhỏ.

Thương các cháu nhỏ dại, người bác ruột đón về ở cùng bà nội, nhưng gia đình bác cũng thuộc hộ nghèo phải chạy ăn từng bữa. Việc học hành của các em không được quan tâm nhiều, thậm chí đứng trước nguy cơ nghỉ học. Hàng ngày, các em phải lên núi lấy lá thuốc giúp bác bán kiếm tiền, phụ thêm công việc nương rẫy, chăn nuôi lợn gà. Cuộc sống mưu sinh của 3 đứa trẻ độ tuổi đến trường từ khi bố mất, mẹ bỏ đi đầy nỗi lo toan, cực nhọc.

Em Vàng Thị Chá chia sẻ: Những lúc nhớ cha mẹ, ba chị em chỉ biết tìm về căn nhà trống vắng xưa. Nhiều đêm em khóc thầm vì lo lắng không biết cuộc sống, tương lai 3 chị em sẽ ra sao?...

Rồi một ngày niềm vui cũng đến. Chứng kiến hoàn cảnh của 3 em nhỏ mồ côi, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng Phó Bảng quyết định nhận các em về nuôi dưỡng đến năm 18 tuổi. Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Phó Bảng đặt vấn đề với người bác và làm việc với chính quyền địa phương. Ban đầu, người bác chưa đồng ý vì còn e ngại nhiều điều. Đặc biệt, bà nội các cháu khóc nhiều, nhất định không đồng ý vì lo sợ cho cháu lên đồn ở sẽ... mất cháu.

Cán bộ, chiến sĩ nhiều lần trở đi, trở lại gia đình để thuyết phục, cam kết nuôi dưỡng, trả cháu về gia đình khi đủ 18 tuổi… thì bà nội mới thuận lòng. Đến tháng 3/2016, Đồn Biên phòng Phó Bảng đón 3 cháu nhỏ về đơn vị nuôi dưỡng.


Vàng Thị Chá luôn biết ơn những người cha, người lính biên phòng Đồn Phó Bảng. Ảnh: Đức Trí.

Thay đổi cuộc đời

Từ ngày trở thành “Con nuôi Đồn Biên phòng” Phó Bảng, ba chị em Vàng Thị Chá có thêm mái ấm gia đình thứ hai. Ở đó, các em được nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ với tình yêu thương và trách nhiệm. Những ngày đầu về đồn, 3 chị em đầy bỡ ngỡ, chuyện chăm lo sinh hoạt, học tập, vui chơi cho các “cô con nuôi” khiến các “cha nuôi” của đồn phải quan tâm, đặt thành nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể rõ ràng...

Thiếu tá Ma Đức Minh, Chính trị viên Đồn Phó Bảng trao đổi: Để các em nhanh chóng hòa nhập, đơn vị thường xuyên cắt cử cán bộ hàng ngày giúp ba chị em tạo thói quen sinh hoạt trong môi trường quân đội (cách gấp chăn, màn vuông vắn, quét dọn phòng ở gọn gàng sạch sẽ… đến việc tăng gia sản xuất trồng rau, nuôi gà).

Sự gần gũi, tận tâm từ người lính đã giúp các em dần cởi nút thắt trong lòng, sống hòa nhập với mọi người và tìm thấy hơi ấm tình thương từ những người lính như chính người cha, gia đình… mà bấy lâu đã mất.

Bên cạnh nhiệm vụ của đơn vị, các buổi sáng những người lính ngoài việc đưa đón 3 đứa trẻ đến lớp thì buổi tối lại cần mẫn hỗ trợ chúng học bài. Ban đầu, các em nhút nhát, học lực trung bình yếu và không dám chơi với bạn nên mỗi lần đưa đến trường các “bố nuôi” phải tranh thủ gặp giáo viên chủ nhiệm để nắm kết quả học tập, mặt khác trao đổi phương pháp kèm cặp sau giờ học...

Trải qua quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, những đứa trẻ đã có da có thịt, không lem luốc, rụt rè như thuở ban đầu. Các em cũng tiếp thu bài tốt hơn, mạnh dạn phát biểu trong lớp và vươn lên đạt học sinh giỏi, khá; học được nhiều kỹ năng trong cuộc sống để tự phục vụ bản thân và hỗ trợ người xung quanh.

Đặc biệt, chị cả Vàng Thị Chá từ học sinh trung bình khá đã phấn đấu vươn lên thành học sinh giỏi. Vinh dự hơn, năm học 2019 - 2020, Chá được đại diện Trường PTDTNT thị trấn Phó Bảng cử đi thi học sinh giỏi Ngữ văn cấp huyện và đoạt giải Ba. Hiện, Chá là học sinh Trường PTDTNT tỉnh Hà Giang với ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn...

“Các ông bố biên phòng phần lớn xa gia đình, không nhiều kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Thêm nữa, các em là người dân tộc có phong tục, lối sống khác nhau, lại là nữ... nên đòi hỏi sự thấu hiểu, chia sẻ của phụ nữ. Đồn phải trực tiếp nhờ giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em. Để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trẻ tuổi mới lớn, đồn phân công các cán bộ thường xuyên chăm sóc, gần gũi chia sẻ…”, Thiếu tá Ma Đức Minh trao đổi và thông tin thêm: Ngoài nuôi dưỡng Vàng Thị Sáu (lớp 9) và Vàng Thị Chở (lớp 7) tại đồn, cán bộ, chiến sĩ vẫn tiếp tục hỗ trợ các khoản tiền sinh hoạt phí cho Vàng Thị Chá đang học Trường PTDTNT tại thành phố Hà Giang. Không những thế, những khoản tiền được các nhà tài trợ hỗ trợ, đồn đã lập 2 sổ tiết kiệm để tích cóp, lo lắng cho tương lai của 3 chị em.

Vàng Thị Chá xúc động chia sẻ: 3 chị em thiếu thốn tình cảm gia đình từ nhỏ nên các bố nuôi của đồn luôn thương yêu, quan tâm, hỗ trợ hết lòng. Mỗi khi về thăm nhà có thứ gì phù hợp, các bố đều mang lên cho chị em. Giờ đây, 3 chị em đã có ngôi nhà thứ 2 với những người cha nuôi luôn sẵn sàng bù đắp khó khăn, sẻ chia bất hạnh… Ba chị em thực sự hạnh phúc và biết ơn những chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Phó Bảng.

Bà Sùng Thị Máy, bà nội 3 chị em Vàng Thị Chá, chia sẻ: “Tôi tuổi đã cao thấy các cháu ở trên đồn được học hành, nuôi dưỡng đầy đủ thấy mừng lắm. Mong các cháu cố gắng học hết cấp 3 sau đó tìm được công ăn việc làm. Thương các cháu với hoàn cảnh khó khăn bao nhiêu gia đình lại biết ơn các chú bộ đội bấy nhiêu”.

Chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng” được Đồn Biên phòng Phó Bảng triển khai sớm, đã phát huy được ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chương trình không chỉ cưu mang những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, mà còn góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa những người lính biên phòng với đồng bào các dân tộc khu vực vùng cao biên giới - Đại tá Lưu Đức Hùng (Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang).
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gánh lo toan cho mảnh đời bất hạnh