Xuyên suốt trong các chương trình hội thảo và Summer Concert, thành viên ban tổ chức cũng đặt những gian hàng gây quỹ với những sản phẩm trưng bày do chính các em lên ý tưởng và chuẩn bị như các sản phẩm liên quan tới dinh dưỡng, sức khỏe, áo và túi do học sinh thiết kế, sản phẩm gốm Bát Tràng do các em xin tài trợ được từ chính các nghệ nhân tại làng gốm Bát Tràng…
Chia sẻ về ý nghĩa của dự án, Cao Hoàng Châu Anh, học sinh lớp 10, đại diện dự án cho biết: The Power of Dreams được ra đời từ sự thấu cảm của học sinh The Dewey Schools với nhóm các bạn đồng trang lứa nhưng còn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống: những người khiếm thính. Khi không nghe được âm thanh xung quanh, có lẽ bức tranh cuộc sống cũng thiếu đi những màu sắc trọn vẹn. Chúng em mong muốn có thể đóng góp phần nào sức mình để bù đắp cho những thiệt thòi các bạn gặp phải trong cuộc sống, cũng như hy vọng mọi người có thể quan tâm hơn đến những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.
“Đây là một dự án đã được chúng em ấp ủ từ rất lâu với mong muốn có thể làm điều gì thiết thực, cụ thể hơn là những hoạt động phục vụ cộng đồng nhỏ hay đơn giản là các buổi từ thiện. Để dự án được triển khai trong 2 tháng là rất nhiều tháng chuẩn bị vì đều là những hoạt động rất lớn. Với em, số tiền quyên góp được ngoài giá trị hiện vật còn là một sự khích lệ, ủng hộ và truyền cảm hứng cho những thế hệ học sinh khác tiếp tục theo đuổi các dự án ý nghĩa cho cộng đồng.” - Châu Anh chia sẻ thêm.
Học sinh The Dewey Schools Hải Phòng trong dự án “The Power of Dream”. |
Cô Nguyễn Thị Hải Thanh - Giám đốc trường học, người đã cùng đồng hành với The Power of Dreams trong suốt nhiều tháng ròng không khỏi xúc động khi chứng kiến thành quả của dự án cũng như sự trưởng thành của các bạn học sinh.
Chia sẻ về dự án, cô cho biết: Nhà trường đã đồng hành và theo sát dự án từ những ngày đầu khi các bạn học sinh bắt đầu lên ý tưởng. Các thầy cô tham gia ở 3 vai trò chủ đạo: Tư vấn đóng góp cho chương trình khi bắt đầu lên kế hoạch, trở thành nhà tài trợ chương trình khi học sinh bắt đầu kêu gọi vốn, thiết lập tổ tư vấn chuyên môn cho tất cả các hoạt động của học sinh (sự kiện, truyền thông, media, nghệ thuật, đối ngoại).
Mỗi bước đi của các em, nhà trường luôn định hướng, khích lệ tinh thần, hỗ trợ tạo điều kiện cho các em thực hiện thành công. Ngoài ra, để hỗ trợ tốt nhất cho học sinh trong quá trình triển khai, bên cạnh tổ tư vấn chuyên môn, nhà trường còn tổ chức các chuyên đề đào tạo kỹ năng thực tế cho các bạn học sinh.Ví dụ như kỹ năng thuyết phục, kỹ năng đàm phán, lập hồ sơ xin tài trợ, phong thái công sở chuyên nghiệp... Những khóa đào tạo tuy ngắn, nhưng có tính thiết thực cao, bước đầu tạo dựng tư duy và trau dồi kỹ năng cho các bạn học sinh - những nhà lãnh đạo tương lai.
Nói về ý nghĩa và thông điệp của dự án, cô Hải Thanh cũng chia sẻ: Đi sát với phương pháp giáo dục khai phóng, learning by doing (học qua việc làm), design thinking (tư duy thiết kế), nhà trường luôn để học sinh có cơ hội được trải nghiệm với những ước mơ dự định của mình. Bằng việc tự nhìn nhận vấn đề, đưa ra phương pháp, triển khai, các em sẽ tự hình thành được các kỹ năng lãnh đạo, tự chủ của công dân toàn cầu. Không có gì là sai hay đúng, các bạn được phép thử để trải nghiệm và lớn lên. Bên cạnh đó, việc nuôi dưỡng một tâm hồn biết yêu thương quan tâm đến những người xung quanh và cộng đồng rất cần thiết để củng cố 4 giá trị cốt lõi mà nhà trường xây dựng cho học sinh đó là Integrity, Hào phóng, Đam mê và Học tập suốt đời.