Ghi nhận hiệu quả trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng của ngành Giáo dục

Đức Trí | 02/03/2022, 16:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 2/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đã làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục về giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng.

Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc cùng Bộ GD&ĐT.Đoàn giám sát Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm việc cùng Bộ GD&ĐT.

Dự và phát biểu tại buổi làm việc có ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các thành viên; Phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ GD&ĐT.

Ghi nhận kết quả khả quan

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cùng Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho thấy kết quả khả quan bên cạnh khó khăn tồn tại trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet trong quá trình Bộ GD&ĐT triển khai thời gian qua.

Trước hết việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng Internet đã được Bộ GD&ĐT triển khai trong công tác quản lý nhà nước thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể qua việc Bộ đã xây dựng, ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách về việc tổ chức dạy học trong môi trường mạng;

Bảo đảm nghĩa vụ và quyền của người học; trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục trước tác động của việc cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông trên mạng Internet cũng được Bộ GD&ĐT triển khai vào đánh giá thực trạng công tác học sinh sinh viên; Việc đáp ứng vai trò, tiêu chuẩn và thực hiện nghĩa vụ, quyền của nhà giáo; Đảm bảo thực hiện trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục trước những tác động của môi trường thông tin, truyền thông trên mạng Internet...

Vấn đề trên cũng được thực hiện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện; Phân công, phối hợp trong việc thực hiện quản lý nhà nước giữa Bộ GD&ĐT với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương liên quan.

Công tác cải cách hành chính, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế; Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin...

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế vướng mắc nhất định. Ví như trong việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC): Việc rà soát, sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ công chức của một số đơn vị tại Bộ còn thiếu, còn chưa phù hợp, số lượng lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên; Hệ thống E-office đang vận hành hiện nay còn chậm, việc tra cứu văn bản khó, mất thời gian; Tính chậm muộn, nợ việc hoàn thành và ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch vẫn còn.

Nhận thức, tư duy về quản lý hành chính nhà nước trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chậm được đổi mới, chưa thấy được hết ý nghĩa, tầm quan trọng và đòi hỏi cấp bách của cải cách thủ tục hành chính;

Đội ngũ cán bộ đầu mối công tác CCHC của các đơn vị chỉ thực hiện công việc kiêm nhiệm, không chuyên sâu và chưa kinh qua khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện các nhiệm vụ CCHC nên chất lượng, đề xuất các giải pháp cho nhiệm vụ CCHC còn chưa đạt yêu cầu, kéo theo các sáng kiến, giải pháp cho nhiệm vụ CCHC rất ít; Việc ứng dụng CNTT vẫn còn chưa đáp ứng được mục tiêu của nhiệm vụ CCHC...

Hoặc trong việc xây dựng và ứng dụng các phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý điều hành hiện nay ở Bộ mới chỉ đạt mức độ sử dụng công cụ có hỗ trợ của CNTT để chi tiết hóa các quy trình và thủ tục hành chính đang thực hiện tại các đơn vị. Chưa ban hành được những quyết sách và ý tưởng lớn để kết hợp ứng dụng CNTT vào mục tiêu cải cách CCHC trong lĩnh vực giáo dục để tạo ra những đổi mới mang tính đột phá...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Ghi nhận đóng góp để tiếp tục hoàn thiện

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã ghi nhận việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet của Bộ GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả tích cực, đồng thời, thấy được khối lượng lớn mà Bộ đã thực hiện liên quan đến nội dung này.

Công tác quản lý nhà nước liên quan đến quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên trang thông tỉn điện tử, mạng xã hội và các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông khác trên mạng Internet đã được Bộ quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện. Trên cơ sở Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Giáo dục... và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công liên quan đến lĩnh vực giám sát.

Đặc biệt, trong trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã tập trung nhiều vào việc quản lý thông tin trên môi trường mạng trong giai đoạn học trực tuyến. Bên cạnh đó, công tác học sinh, sinh viên, có tổ chức các hoạt động về giáo dục tư tưởng, đạo đức, lỗi sống, kỹ năng sống được chú trọng. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh, sinh viên nhà giáo về Internet, an toàn thông tỉn, an ninh mạng được quan tâm.

Kết quả đáng ghi nhận khác đó là trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Tin học trở thành môn học bắt buộc với tất cả học sinh từ lớp 3. Nội dung khai sử dụng Internet an toàn, lành mạnh được triển khai vào chương trình Tin học từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua chủ đề dạy học đạo đức, pháp luật và văn hoá trong môi trường số...

Bên cạnh kết quả, ông Đặng Xuân Phương nêu mong muốn Bộ GD&ĐT làm rõ thêm một số vấn đề như: Xác định rõ những bất cập, không phù hợp trong các quy định của pháp luật liên quan đến nội dung giám sát; về phân công, phân cấp quản lý giữa các ngành, giữa trung ương và địa phương đối với từng nội dung quản lý thông tin trên mạng và những kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Ông Đặng Xuân Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận kết quả ngành giáo dục trong thực hiện vấn đề được giám sát.

Cùng với đó, phân tích, đánh giá làm rõ những tồn tại trong việc sử dụng thông tin trên môi trường mạng của học sinh cũng như những tác động của thông tin trên môi trường mạng đến tâm lý, lối sống của học sinh; những khó khăn trong công tác học sinh, sinh viên, trong giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, kỹ năng sống, trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho học sinh, sinh viên nhà giáo về internet, an toàn thông tin, an ninh mạng; sự phối hợp với các ngành chức năng về tuyên truyền, định hướng, giáo dục an toàn thông tin, an ninh mạng.

Bộ cũng cần đánh giá cụ thể việc giảng dạy môn tin học ở các cấp học phổ thông và những khó khăn nếu có về cơ sở vật chất, đội ngũ, giải pháp nâng cao nhận thức của giáo viên, học sinh sinh viên về ý thức và kĩ năng tiếp nhận thông tin trên không gian mạng...

Đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng trong nhiệm kỳ XIV của Quốc hội (2016-2021), Quốc hội đã có cuộc giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết và Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”. Bộ GD&ĐT cần có văn bản chỉ đạo ban hành nội dung trên cũng như việc thực hiện nội dung ở các trường phổ thông, đại học... do Bộ quản lý.

Tại buổi làm việc, các đơn vị Cục, Vụ chức năng liên quan của Bộ bên cạnh lắng nghe ý kiến đóng góp của đoàn đã trao đổi thẳng thắn những vấn đề đã làm được và khó khăn cần tháo gỡ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh khẳng định những vấn đề mà Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục góp ý đều sát, “trúng” và hiểu sâu sắc ngành giáo dục. Về phía Bộ GD&ĐT đã có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng... và có hiệu quả thời gian qua và sắp tới.

Công tác tham mưu với Chính phủ xung quanh vấn đề an toàn mạng, dạy học trực tuyến... đã được lãnh đạo Bộ triển khai hiệu quả; Đã chỉ đạo quyết liệt, phối hợp hiệu quả sâu rộng chặt chẽ với các Bộ, ban ngành để tháo gỡ vấn đề liên quan đến dạy học trực tuyến; xã hội hóa cơ sở vật chất dạy học trực tuyến; chương trình hỗ trợ máy tính cho học sinh...

Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của đoàn giám sát đồng thời cảm ơn đoàn có những ý kiến, góc nhìn giám sát sâu sắc, phù hợp, thấu hiểu và chia sẻ cùng ngành giáo dục.

Đồng thời chỉ đạo các ban ngành liên quan của Bộ tiếp thu và phối hợp chặt chẽ để tiếp tục hoàn thiện báo cáo kĩ lưỡng hơn với những thông tin, nêu bật những khó khăn, thuận lợi, hạn chế, đề xuất... xung quanh vấn đề thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng của ngành giáo dục.

Bài liên quan
TP.HCM có thể thí điểm gắn chip để quản lý chó, mèo
Nếu UBND TP.HCM thông qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ tham mưu triển khai thí điểm việc gắn chip để quản lý chó, mèo tại khu vực nội thành.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ghi nhận hiệu quả trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng của ngành Giáo dục