"Giá gạo toàn cầu đặc biệt đáng lo ngại", Qingfeng Zhang - giám đốc cấp cao của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định với CNBC, "Có vẻ khả năng thay đổi đột ngột trong giá các mặt hàng thực phẩm sẽ tiếp diễn trong những tháng tới".
Ngoài Ấn Độ, tình trạng lạm phát giá cả thực phẩm tại châu Á tương đối được kiểm soát tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, nhiều yếu tố đồng thời xuất hiện đang làm nảy sinh lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung gạo có thể kéo theo tình trạng tăng giá các mặt hàng thực phẩm khác ở châu Á.
Trong đó có thể kể đến các yếu tố như: Khí hậu cực đoan do sự nóng lên của trái đất, sự hiện diện lần đầu tiên của hiện tượng El Nino trong 7 năm qua, quyết định rút khỏi Thỏa thuận Biển Đen của Nga và các chính sách bảo hộ lương thực dưới hình thức hạn chế thương mại.
Chắc chắn, phần lớn các nước châu Á sẽ có thể chịu đựng được cú sốc cung (supply shock) với riêng mặt hàng lúa gạo.
"Giá chắc chắn là tăng và điều đó góp phần báo động, khiến người dân hoảng loạn tích trữ", Erica Tay, nhà kinh tế học hoạt động cùng Maybank nhận định, "Nhưng nếu nhìn vào các con số cung cầu tổng quát, các nước châu Á có thể chịu đựng được mức giá này và cú sốc cung trong thị trường lúa gạo".
Bà Tay chỉ ra rằng, một số nước trong khu vực - như Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Campuchia - là những quốc gia xuất khẩu ròng. Trung Quốc, thị trường gạo lớn nhất thế giới, chỉ nhập khẩu 1% nhu cầu gạo, chủ yếu từ Việt Nam và Myanmar nên sẽ bị tác động rất ít bởi tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ.
"Nhưng tôi nghĩ rằng ngoài ra, chúng ta phải theo dõi những hình thái thời tiết do El Nino gây ra", bà Tay nói, "Khi hiện tượng này diễn ra, như dự đoán là vào nửa cuối năm nay, có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều tình trạng gián đoạn nguồn cung nông nghiệp".
Bà Tay cho rằng, điều đáng lo ngại là không chỉ nguồn cung gạo bị ảnh hưởng mà sản lượng nông nghiệp nói chung sẽ bị tác động tiêu cực: "Điều đó có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát giá cả tiêu dùng".