'Gia tài khủng' của tiến sĩ trẻ

Anh nguyễn | 11/02/2023, 07:07
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

TS Nguyễn Lý Sỹ Phú gây ấn tượng với nhiều bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín thế giới (SCI Q1-2)...

“Một đề tài khoa học chỉ có thể ra đời sau những năm tháng nhất định kể từ khi bắt đầu nghiên cứu cho đến khâu trả lời phản biện. Và để có một bài báo SCI Q1-2, người nghiên cứu phải đọc rất nhiều bài báo SCI Q1-2 khác, tham dự nhiều hội nghị quốc tế để tiệm cận với tri thức mới và đeo đuổi chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu. Nhưng quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê nghiên cứu. Có niềm đam mê sẽ vượt qua được mọi rào cản”, TS Phú chia sẻ.

Tính đến năm 2022, Sỹ Phú sở hữu tổng cộng 20 bài báo quốc tế uy tín được thế giới đánh giá cao. Dù thế, niềm vui lớn lao hơn với vị tiến sĩ này là giúp những sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đạt được thành công trong nghiên cứu.

TS Sỹ Phú hiện là thành viên và nhà nghiên cứu của mạng lưới quan trắc thủy ngân Châu Á, Thái Bình Dương; Mạng lưới quan trắc thủy ngân toàn cầu bằng MerPAS của Canada; Mạng lưới quan trắc bụi mịn PM2.5@Asia, Đài Loan. Công việc này tốn rất nhiều thời gian nhưng anh vẫn quyết tâm tham gia để mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

“Tôi luôn quan niệm và tự nhủ với mình rằng, trên chuyến tàu tri thức, ai cũng háo hức bước lên ở ga đầu nhưng muốn đến được ga cuối thì hành khách phải có dũng khí rất lớn. Hành trình đó không phải chỉ là đạt được học vị tiến sĩ mà còn phải phát huy, truyền thụ, mở rộng những tri thức mình lãnh hội sâu hơn, rộng hơn để đào tạo ra nhiều hơn những thế hệ nhà khoa học có chất lượng và có tầm phục vụ đất nước trong tương lai”, TS Sỹ Phú cho biết.

 'Gia tài khủng' của tiến sĩ trẻ ảnh 2
TS Nguyễn Lý Sỹ Phú (đứng giữa) và nhóm nghiên cứu làm việc cùng chuyên gia từ NIC, Nhật Bản.

Hạnh phúc giản đơn

Dù thành công trong vai trò nghiên cứu, nhưng dạy học mới là niềm hạnh phúc lớn nhất của Nguyễn Lý Sỹ Phú, vì anh được tiếp nối ước mơ từ nhỏ. Sau gần 12 năm gắn bó với nghề và trường, Sỹ Phú đã nhận được rất nhiều từ nghề đã chọn, đó là những mối quan hệ tốt, đồng nghiệp và sinh viên của mình. Với anh, nghiên cứu là một phần quan trọng với giảng viên. Nghiên cứu giúp công việc giảng dạy tốt hơn và anh luôn nỗ lực để bài giảng mỗi môn học qua các năm đều mới mẻ.

Vị tiến sĩ trẻ vẫn đầy cảm giác tự hào, xúc động vì những lần nhận được cuộc điện thoại lúc nửa đêm từ một sinh viên báo tin tìm ra hướng mới cho bài nghiên cứu. Anh thổ lộ: “Ngày xưa, khi còn là sinh viên, thầy cô thường ví nghề dạy học như những người đưa đò. Mình nghe nhiều nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu nói. Nhưng đến khi hướng dẫn sinh viên làm quen với nghiên cứu cũng là lúc các em chuẩn bị đi du học, mình mới thấy thấm thía. Động lực để mình vượt qua những khó khăn trong hành trình nghiên cứu là niềm tin sẽ đào tạo được nhiều nhà khoa học trẻ cho Việt Nam trong tương lai”.

Chia sẻ về người thầy, nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Duy cho biết: Khi hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu sinh, thầy luôn chỉn chu, ân cần và đặc biệt tạo điều kiện tối đa để trò có thể tự đặt ra câu hỏi khoa học và giải quyết câu hỏi đó. Không những thế, thầy hướng dẫn trò với tinh thần là người “dẫn đường” hơn là cầm tay chỉ việc và luôn nhắc nhở nhiệm vụ của chúng em là phải đặt ra câu hỏi, nghi ngờ thông tin thầy đưa ra và tìm dữ liệu để minh chứng...

“Chỉ khi có tư duy phản biện khoa học thì lúc đó chúng em mới thật sự cảm nhận và từng bước trở thành người làm khoa học chân chính. Được thầy hướng dẫn, hỗ trợ, em yên tâm và học hỏi được nhiều điều tốt đẹp trong nghiên cứu cũng như đời sống hằng ngày từ thầy” - nghiên cứu sinh Thanh Duy nói.

Theo TS Sỹ Phú, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân cũng như kinh tế - xã hội. Vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã và đang trong tình trạng cần được quan tâm đặc biệt.

“Trong quá trình công tác tại Khoa Môi trường, Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM, tôi đã tiếp xúc và làm việc với nhiều dự án, chuyên gia trong lĩnh vực và cảm thấy rất thích thú về hướng nghiên cứu này. Với những nghiên cứu về ô nhiễm, tôi hướng đến mục tiêu là góp phần cải thiện hiểu biết, cung cấp thông tin để hoạch định chính sách phù hợp nhằm phát triển bền vững cân bằng trong tương lai”, TS Phú chia sẻ.

Một số giải thưởng của TS Nguyễn Lý Sỹ Phú: Cán bộ hướng dẫn xuất sắc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cao năm 2014; Giải thưởng hội thi sáng tạo kỹ thuật TPHCM năm 2015 với ý tưởng xử lý nước ngầm nhiễm phèn bằng bộ lọc đất sét nung; Giải thưởng nghiên cứu sinh xuất sắc của Khoa Khoa học Khí quyển, Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan (Trung Quốc).

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/gia-tai-khung-cua-tien-si-tre-post624762.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/gia-tai-khung-cua-tien-si-tre-post624762.html
Bài liên quan
Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo
Ngày 11/6, Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội thảo mô hình giải pháp nâng cao chất lượng cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Gia tài khủng' của tiến sĩ trẻ