Cô Đinh Thị Loan- Giáo viên Trường mầm non Khun Há (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) phát biểu. |
Tại buổi gặp mặt, các thầy cô đã chia sẻ về những niềm vui, những kỉ niệm trong quá trình dạy học, những sáng kiến để nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới, đồng thời bày tỏ những mong muốn, kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD&ĐT về chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Thầy Kim Thành Phong- giáo viên Trường THPT Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) bày tỏ: Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ rất nhiều. Học sinh dân tộc Khơ Me tại Trà Cú, một vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã được cắp sách đến trường, cơ sở vật chất được cải thiện, chất lượng học tập được nâng cao.
Tuy nhiên, so với các địa phương khác, Trà Cú vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo để thực hiện chương trình GDPT mới. Do đó, thầy Phong đề xuất có thêm chính sách giúp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số như hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn để các em tập trung học tập; có chính sách để hỗ trợ giáo viên đang công tác tại vùng sâu vùng xa.
Cô Nguyễn Thị Thủy- giáo viên Trường PTDTBT THCS Pa Cheo (huyện Bát Xát Lào Cai) - bộc bạch: Công tác tại trường miền núi với 100% dân tộc Mông, cô đã thấu hiểu những khó khăn của học sinh nơi đây. Trong đó, học sinh nữ người dân tộc luôn gặp thiệt thòi vì thiếu những kiến thức về giới tính, về bình đẳng giới. Do đó, cần có những giải pháp để nâng cao nhận thức cho đối tượng học sinh này.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho giáo viên tiêu biểu. |
Còn thầy Nguyễn Duy Khánh - giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) đề xuất các giải pháp tăng cường chuyển đổi số để mang lại nền tảng giáo dục xuyên quốc gia, xuyên biên giới, tạo sự công bằng hưởng thụ giáo dục cho các vùng miền. Cùng với đó, đề xuất tăng trải nghiệm thực tế cho học sinh, tăng giảng dạy STEM trong các giờ học, số hóa các thông tin để nâng cao chất lượng dạy học.
Cô Đinh Thị Loan- Giáo viên Trường mầm non Khun Há (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) - cho rằng, việc khống chế số phần trăm các danh hiệu thi đua khiến nhiều thầy cô dù hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng không đạt được danh hiệu vì trường quá đông. Mong muốn của nhiều thầy cô nên đánh giá các danh hiệu dựa trên sự nỗ lực, phấn đấu trong quá trình dạy học.
Lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đó, đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ GD&ĐT đã báo cáo, trao đổi thông tin thêm về chính sách đối với nhà giáo, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên. Cùng với đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã ghi nhận, thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn và trăn trở của các thầy, cô, khẳng định Bộ GD&ĐT sẽ có những giải pháp cụ thể, hành động quyết liệt hơn trong thời gian tới.