Dự kiến, đơn vị trực tiếp tiếp nhận chuyển giao được đề xuất là Phòng Kinh tế huyện, đơn vị triển khai thương mại hóa là Hợp tác xã Muối xã Lý Nhơn.
ThS Lê Đặng Tú Nguyên cho rằng, các sản phẩm của nhiệm vụ chứa thành phần muối Cần Giờ giúp làm gia tăng giá trị thương mại của muối. Quy trình điều chế sản phẩm, tiêu chuẩn của sản phẩm đã được kiểm định đạt bởi Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM.
Nếu quy trình sản xuất được chuyển giao cho UBND huyện Cần Giờ (TPHCM) thì nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn để địa phương triển khai ở quy mô công nghiệp, thương mại hóa sản phẩm.
Mặc dù, các sản phẩm muối thảo dược ngâm chân có nguyên liệu đầu vào là muối thành phẩm hay bán thành phẩm nước ót không cho thấy sự khác biệt về mặt chất lượng, kỹ thuật hay sự hài lòng của người tiêu dùng.
Tuy nhiên khi tính đến hiệu quả kinh tế, nhóm nghiên cứu đề xuất chỉ thực hiện sản xuất gói muối thảo dược sử dụng muối thành phẩm.
Nguyên nhân là do quá trình bào chế sản phẩm muối ngâm chân với nguyên liệu đầu vào là bán thành phẩm nước ót cần phải thông qua quá trình cô nước ót đến thể tích nhất định, nên khi áp dụng sản xuất ở quy mô công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Hai sản phẩm muối thảo dược “chủ lực” được nhóm nghiên cứu đề xuất chuyển giao có nguyên liệu từ thành phẩm muối Cần Giờ, bao gồm: Gói muối thảo dược ngâm chân tăng cường tuần hoàn ngoại biên, giảm đau nhức xương khớp, tê thấp; Gói muối thảo dược ngâm chân hỗ trợ giảm nhẹ các biến chứng, rối loạn thần kinh ngoại vi đối với bệnh nhân đái tháo đường.
Giá thành sản phẩm ước tính vào khoảng 150.000 đồng/liệu trình 30 ngày, mỗi lần ngâm chân 20 phút ở nhiệt độ 38 - 42 độ C.
Ngoài ra, các sản phẩm có thể được bổ sung một lượng nhỏ tinh dầu (không làm thay đổi quy trình điều chế) tùy theo nhu cầu sử dụng để tăng mùi hương và mức độ thư giãn trong quá trình ngâm chân…