“Sản lượng tiêu thụ của ngành thép được dự báo vẫn duy trì mức thấp trong tháng 9 và cả trong quý 4/2023. Nếu có tăng trưởng sẽ nằm ở phân khúc xây dựng nhà ở, những công trình nhỏ. Trong trường hợp xấu, tình trạng ảm đạm của thị trường có thể tiếp tục kéo dài về cuối năm 2023”, Hiệp hội Thép nhận định.
Để kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nguyên vật liệu phục vụ cho ngành xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, trước tiên cần phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
“Nếu bất động sản vực dậy, phục hồi và phát triển thì các ngành khác sẽ phát triển theo, trong đó có ngành thép và vật liệu xây dựng, các ngành công nghiệp phụ trợ khác, qua đó tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Nếu người dân có tiền thì họ sẽ tiêu xài và đầu tư vào xây dựng, qua đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, lưu thông hàng hóa”, ông Quang nói.
Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế PGS - TS Ngô Trí Long cho rằng, nguyên nhân chính là do cung cầu. Hiện cầu không tăng nhiều mặc dù đầu tư công tăng đáng kể thời gian qua, trong khi nguồn cung lại rất lớn, nhất là lượng thép từ Trung Quốc nhập về nước đã làm cho giá thép trong nước liên tục giảm.
“Để ổn định giá thép trong nước, ngoài việc kích cầu đầu tư, chúng ta phải đẩy mạnh khơi thông các dự án bất động sản, các công trình, dự án đầu tư công.
Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì giá thép sẽ tăng, bởi thép chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng là chính, còn thép phục vụ cho các ngành hàng, hoạt động khác không đáng kể. Do vậy, quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, ảm đảm của bất động sản sẽ tháo gỡ khó khăn của ngành thép”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, khi các dự án xây dựng, dự án bất động sản "đắp chiếu" thì không lấy đâu ra thị trường tiêu thụ thép và vật liệu xây dựng.
“Vật liệu xây dựng các loại muốn có thị trường thì các dự án, công trình xây dựng phải được triển khai, được cấp phép. Nếu dự án bất động sản, công trình xây dựng “nằm im” thì cả thị trường bị nghẽn luôn. Trong khi thép không tiêu thụ được nhưng các nhà máy vẫn phải duy trì hoạt động, bộ máy nhân công vẫn phải vận hành nếu không muốn phá sản.
Do đó, các doanh nghiệp thép phải hạ giá để kích cầu tiêu dùng, trong đó là các dự án, công trình nhỏ trong dân, còn các dự án, công trình lớn thì Nhà nước cần có giải pháp tháo gỡ”, ông Đính nói.