Theo TS, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc tỷ giá USD tăng mạnh trong thời gian qua và thu hút dòng kiều hối là có khả năng. “Theo con số của tôi, tỷ giá từ đầu năm đã tăng trên 9%, một mức tăng rất mạnh từ trước đến nay. Đối với các kiều bào, đây là điều có lợi. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, đó không phải luôn luôn là tin vui vì việc VNĐ biến động như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định của họ", TS Hiếu cho biết.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD), lượng kiều hồi về Việt Nam trong năm 2021 ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, khoảng 50% lượng kiều hối là từ Mỹ.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ trọng lớn trong kiều hối là gửi về cho gia đình, cho tiêu dùng. Một phần khác là dành cho đầu tư. Đương nhiên là khi USD gửi về, sẽ hoà nhập vào nền kinh tế, làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, đây là điều có lợi. Cùng với đó, các lĩnh vực được nhận đầu tư từ kiều bào và nhà đầu tư nước ngoài, từ sản xuất, dịch vụ hay nông nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi.
Trước các điều hành mới đây của NHNN, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) đã đặt ra 3 kịch bản về tỷ giá. Trong đó, ACBS cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra là FED và các ngân hàng trung ương lớn có thể trở nên “diều hâu” hơn với kế hoạch tăng lãi suất và đẩy nhanh chương trình thắt chặt định lượng. Trong kịch bản này, nếu NHNN tăng lãi suất điều hành lên 50-100 điểm phần trăm (0,5%-1,0%) thì tỷ giá sẽ dao động quanh mức hiện tại (24.800 - 25.200 / USD).