Bất thường quan hệ nghịch biến vàng - đô, ngược dòng các quỹ giao dịch hoán đổi vàng vật chất, cho thấy nếu Trung Quốc còn mua vào, lạm phát Mỹ, EU còn cao, thì giá vàng thế giới vẫn có thể tăng tiếp.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa phát hành một phân tích thú vị về diễn biến của giá vàng thế giới, trong đó chỉ ra những yếu tố bất thường, ngược quy luật trong các yếu tố liên quan đến quá trình vàng tăng giá liên tục, lên mức cao nhất mọi thời đại, rồi đi ngang, nhưng vẫn có thể tăng tiếp.
Bất chấp giá tăng cao kỷ lục, lượng cầu vàng của người dân Trung Quốc vẫn tăng mạnh, được hỗ trợ bởi tâm lý muốn bảo vệ tài sản trong bối cảnh các kênh tài sản khác như chứng khoán hay bất động sản tại nước này suy giảm. Ảnh: Argaam
Vàng thế giới trong “cơn điên”
Về diễn biến, giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay tăng 12%, xấp xỉ so với mức tăng 13% của cả năm 2023. Dù vậy, đi vào chi tiết có những chi tiết khác với quy luật.
Trong quá khứ, giá vàng thế giới tăng thường đi cùng với các làn sóng tích trữ vàng của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng vật chất. Nhưng lần này, trên thực tế, lượng nắm giữ của các quỹ ETF đã giảm trong 11 tháng qua, tính đến cuối tháng 4 chỉ còn nắm giữ 3.079 tấn vàng vật chất. Trong đó, họ đã bán ròng 146,1 tấn vàng trong 4 tháng đầu năm nay, tiếp theo đà bán khoảng 244,2 tấn trong cả năm 2023.
Bán ra nhiều vậy, nhưng xem ra vẫn chưa đáp ứng được cơn khát vàng đến từ các Ngân hàng Trung ương và thị trường châu Á.
Bên mua nổi bật nhất là Trung Quốc. Ngân hàng trung ương nước này (PBoC) bắt đầu tăng dự trữ vàng từ tháng 11-2022, rồi tiếp tục như vậy cho đến nay là 18 tháng liên tiếp. Lượng vàng mà PBoC tích trữ trong quý I là 27,1 tấn, tương đương khoảng 12% tổng lượng đã mua vào 224,9 trong năm 2023.
Nhu mua vàng miếng và đồng xu vàng của dân Trung Quốc cũng gia tăng mạnh mẽ, đạt 110,5 tấn trong quý I vừa qua, tăng 68% so với cùng kỳ 2023.
Bất thường tương quan vàng - đô
Dù Trung Quốc là động lực trung tâm của hiện tượng vàng tăng giá, nhưng chuyên gia VDSC cho rằng diễn biến thị trường còn được bao phủ bởi sự phức tạp và đa dạng của nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như tương quan lợi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và vàng.
Ở khía cạnh là một tài sản dự trữ, USD và vàng thường có tương quan nghịch biến, thay nhau là kênh trú ẩn an toàn của giới đầu cơ. Trên thị trường toàn cầu, vàng được giao dịch bằng USD, nên khi đồng bạc xanh tăng giá thì người mua phải mất chi phí nhiều hơn để mua vàng, tức giảm động lực tích trữ vàng, và ngược lại.
Dù vậy, diễn biến giá vàng thế giới thời gian qua đã không như vậy. Mấy tháng đầu năm nay, USD và vàng cùng mạnh lên.
Vàng cũng thường tăng giá khi xuất hiện các yếu tố rủi ro địa chính trị. Căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là việc Iran tập kích rồi Israel đáp trả giữa tháng 4 được coi là nguyên nhân vàng tăng giá. Nhưng ngay cả sau đó, căng thẳng hạ nhiệt, vàng những ngày qua vẫn tiếp tục đắt lên.
Đà tăng còn kéo dài bao lâu?
Theo chuyên gia của VDSC, yếu tố bất ổn địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới và việc đối đầu giữa các nhóm quốc gia vẫn là một động lực không bàn cãi. Việc tích trữ vàng của các ngân hàng trung ương toàn cầu vẫn là xu hướng dài hạn trong bối cảnh tìm kênh trú ẩn an toàn, giảm sự phụ thuộc đồng USD khi mà nợ công của Mỹ ngày càng tăng cao.
Tính đến cuối tháng 3 vừa qua, dự trữ vàng của Trung Quốc là 2.262,4 tấn, tương đương 4,6% tổng lượng dự trữ ngoại hối của nước này. 18 tháng liên tục mua ròng của Trung Quốc có thể liên hệ với Nga: Liên tục từ năm 2006 đến trước khi tiến hành chiến tranh với Ukraine, Chính phủ nước này đã liên tục tăng dự trữ vàng với quy mô chưa từng có.
Trong một so sánh khác, quy mô dự trữ vàng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mới chỉ tương đương Nga, và bằng khoảng 28% dự trữ vàng mà Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang nắm giữ. Như vậy, việc tích trữ vàng của Trung Quốc có thể còn lâu mới kết thúc.
Người dân nước này cũng vậy, bất chấp giá tăng cao kỷ lục, nhu cầu vàng của quốc gia 1,4 tỉ dân vẫn tăng mạnh. Lý do là người dân Trung Quốc đang có tâm lý đầu tư an toàn trong bối cảnh các kênh tài sản khác như chứng khoán hay bất động sản tại nước này suy giảm. Cũng tức là, nhu cầu vàng theo cách ấy chỉ dừng lại khi nền kinh tế và thị trường bất động sản của nước này thể hiện đà phục hồi rõ nét.
Giá vàng thế giới đang ở đỉnh cao của mọi thời đại, và những ngày này đang chững lại. Dù vậy, yếu tố dài hạn đang ủng hộ vàng tiếp tục tăng giá. Bởi nếu trừ đi yếu tố lạm phát, giá vàng hiện tại vẫn thấp hơn 21% so với mức đỉnh của cơn sốt mua vàng năm 1980.
Vậy nên, nếu lạm phát ở những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU không giảm thì kịch bản dự báo giá vàng thế giới tăng đến mốc 2.700 - 3.000 USD/ounce mà một số tổ chức tài chính nêu ra gần đây là có xác suất xảy ra tương đối cao trong dài hạn.