Giấc mơ… học 2 buổi/ngày

Hồ Phúc | 14/08/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Áp lực trường lớp năm học 2022 - 2023 là bài toán lớn với TPHCM và các địa phương lân cận khi sĩ số học sinh ngày một tăng, cơ sở vật chất không theo kịp. Từ thực tế đó, chính quyền địa phương cùng với ngành Giáo dục đang nỗ lực đưa ra giải pháp để tất cả học sinh có đủ chỗ học.

Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Thu Phương (quận Bình Tân, TPHCM), cũng có con năm nay lên lớp 2. Chị chia sẻ, năm học qua do một tuần chỉ được học 2 buổi bán trú, trong khi gia đình ít người, nên chị và chồng buộc phải đi tìm chỗ gửi con trong 3 ngày còn lại. Trước đây, chị Thu Phương cũng là giáo viên nhưng đã quyết định nghỉ để chuyển sang công việc kinh doanh, nhằm tiện đưa đón, trông nom khi con lớn vào tiểu học và chăm lo cho đứa con út. Nhưng cũng có những ngày chị phải đi nhận hàng hóa, trong khi người chồng công việc rất bận rộn, chị buộc phải thuê người trông và đưa đón.

“Tôi chỉ mong con lên lớp 2 được học bán trú. Không phải một mình tôi mà phụ huynh cả lớp đều ý kiến với cô chủ nhiệm về việc này. Tôi mong các cấp chính quyền, ngành Giáo dục đưa ra những giải pháp để tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày. Trẻ học 1 buổi, phụ huynh chúng tôi rất cực”, chị Thu Phương bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Thanh Phương (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), có con năm nay lên lớp 4 Trường Tiểu học Hà Huy Giáp cho biết, cả 2 vợ chồng đều làm công nhân nên không thể đưa đón con khi tan học. Thời gian qua, việc đưa đón trông nom con chị đều phải nhờ bố mẹ chồng.

“Con tôi học một buổi, nhưng may mắn còn có bố mẹ chồng hỗ trợ đưa đón, trông nom. Trong khi nhiều phụ huynh buổi còn lại phải gửi vào các trung tâm giữ trẻ gần trường nên rất vất vả và tốn kém. Tôi và rất nhiều ba mẹ vẫn mong muốn trường học có tổ chức bán trú. Tuy nhiên tìm hiểu thực tế tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp rất khó thực hiện, vì do số lượng học sinh ngày một tăng, cơ sở vật chất thiếu, nên phòng học chỉ đáp ứng đủ mỗi lớp học một ngày 1 buổi”, chị Phương chia sẻ.

Giấc mơ… học 2 buổi/ngày ảnh 3

12 phòng học được xây thêm tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp góp phần giảm áp lực trước việc học sinh đầu cấp tăng hàng năm.

Linh hoạt các giải pháp

Giải bài toán quá tải về sĩ số học sinh đã và đang được các địa phương và ngành Giáo dục tích cực quan tâm triển khai. Cùng với việc xây dựng thêm trường, lớp hay tận dụng phòng chức năng làm phòng học, nhiều địa phương cũng linh hoạt giải pháp để đảm bảo chỗ học và nâng cao chất lượng dạy học.

Theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân (TPHCM), năm học 2022 - 2023, địa phương dự kiến có khoảng 122 nghìn học sinh mầm non, tiểu học và THCS, tăng hơn 4.000 em so với năm trước. Trước áp lực học sinh tăng cao, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng thời khóa biểu giảng dạy phù hợp điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số học sinh. Theo thống kê của phòng GD&ĐT quận, hiện có 48% trẻ khối 1, 2, 3 và 28% học sinh cấp THCS học 2 buổi/ngày, còn lại học 6, 7, 8 buổi/tuần.

“Đối với học sinh đủ tuổi vào lớp 1, quận luôn bảo đảm 100% vào học nếu có đăng ký tạm trú trước tháng 3/2022. Những em tạm trú sau thời điểm trên, tùy điều kiện từng phường có đủ chỗ sẽ tiếp nhận. Nếu học sinh phường này đông, không đủ chỗ học sẽ được phân qua phường khác, sao cho khoảng cách từ nhà đến trường gần nhất. Khó khăn hiện nay là sĩ số học sinh/lớp ở nhiều trường, khối lớp vượt chuẩn. Thực tế này đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các trường trên địa bàn quận”, ông Tuyên nhìn nhận.

Còn ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Biên Hòa, cho biết, do đặc thù là thành phố trung tâm của tỉnh, có nhiều khu công nghiệp, dân cư tập trung đông, nhất là con em công nhân lao động số lượng lớn, việc giải quyết quá tải về trường lớp rất khó khăn. Tại thành phố Biên Hòa, trừ một số trường chuẩn quốc gia bảo đảm số lượng 35 học sinh/lớp, phần lớn các trường công lập bậc tiểu học trên địa bàn có sĩ số bình quân 42 học sinh/lớp, tập trung tại các phường: Trảng Dài, Tân Hiệp, Tam Phước, Long Bình.

“Năm học 2022 - 2023, tổng số học sinh trên địa bàn thành phố Biên Hòa là hơn 242.000 em, tăng khoảng 11.000 học sinh so với năm học trước. Số lượng học sinh tăng chủ yếu tập trung ở bậc tiểu học và THCS. Trong khi đó, học sinh học bán trú chỉ chiếm khoảng 21%, còn lại học theo chương trình 6 buổi/tuần. Các trường đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, không phải tổ chức học ca 3”, ông Minh cho hay.

Cũng theo chia sẻ của ông Minh, năm 2022 thành phố Biên Hòa đang triển khai thực hiện 55 dự án trường học, trong đó 17 trường đã và đang thi công. Năm học mới này, có 8 công trình trường tiểu học hoàn thiện với 149 phòng học và 16 phòng bộ môn đưa vào sử dụng. Qua đó đã góp phần giảm thiểu được áp lực về số lượng học sinh tăng theo từng năm.

“Với số lượng học sinh tăng hàng năm như hiện nay, giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề quá tải trường lớp của thành phố là phải xây dựng thêm nhiều trường học mới. Trong đó những trường xây dựng mới phải linh hoạt trong thiết kế xây dựng, nâng số tầng. Những tầng cao hơn có thể phục vụ cho giáo viên và ban giám hiệu. Với những trường còn đất trống sẽ xây thêm phòng học. Cùng với đó là việc huy động nguồn lực xã hội để phát triển thêm mạng lưới các trường tư thục trên địa bàn, ưu tiên kêu gọi đầu tư ở những phường đông dân cư, công nhân lao động”, ông Minh cho biết.

“Dạy học ở lớp có sĩ số quá đông rất vất vả, nhất là các em học sinh mới vào lớp 1. Vì đây là giai đoạn đầu các em đến trường, bắt đầu làm quen với con chữ, nét viết, phát âm, đánh vần... nên giáo viên phải sâu sát từng học sinh. Sau mỗi nội dung, giáo viên lại phải đến chỗ ngồi từng em để kịp thời uốn nắn từng nét chữ, luyện phát âm cho thật chuẩn. Nhiều buổi dạy vì phải nói quá nhiều nên giáo viên khàn cả tiếng...”, cô Lê Thị Hoa, giáo viên Trường Tiểu học Bình Long, chia sẻ.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giac-mo-hoc-2-buoi-ngay-post603964.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giac-mo-hoc-2-buoi-ngay-post603964.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giấc mơ… học 2 buổi/ngày