Cụ thể, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 21/6 khẳng định nếu khối NATO trực tiếp tham chiến, Nga sẽ có sẵn cách thức đối phó. Ông cũng cho rằng, trên thực tế khối này đã trở thành bên tham gia vào cuộc xung đột khi liên tục viện trợ vũ khí cho Ukraine.
Giới chức Nga từ lâu đã cáo buộc Mỹ và các nước đồng minh NATO trang bị vũ khí cho Ukraine nhằm sử dụng nước này như quân bài kích động cuộc xung đột với Nga. Chính Tổng thống Nga Putin từng khẳng định cuộc xung đột tại Ukraine hiện nay thực chất là cuộc đọ sức giữa Nga và toàn bộ bộ máy quân sự của phương Tây.
Quan điểm này cũng không hẳn vô căn cứ vì phần lớn vũ khí từ các loại hạng nặng như tên lửa, xe tăng, máy bay cho đến các loại quân trang, quân dụng mà quân đội Ukraine sử dụng trên chiến trường hiện nay đều do các nước phương Tây trong khối NATO chuyển tới.
Dòng vũ khí từ phương Tây vẫn đang không ngừng chảy về Ukraine khiến cuộc xung đột kéo dài hơn một năm qua chưa có bất cứ dấu hiệu nào hạ nhiệt. Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên vẫn bị đóng băng kể từ cuộc gặp gần nhất giữa đại diện Nga và Ukraine hồi tháng 4/2022.
Trên thực địa, phạm vi của cuộc xung đột cũng đang chứng kiến những dấu hiệu mở rộng ra khỏi khu vực chiến trường ở miền Đông Ukraine. Loại vũ khí chính được cả Ukraine và Nga huy động để mở rộng cuộc xung đột là máy bay không người lái gắn bom (UAV).
Từ ngày 20/6 đến nay, Nga thực hiện nhiều cuộc không kích quy mô lớn bằng UAV vào thủ đô Kiev, trong khi Nga tuyên bố đánh chặn các UAV của Ukraine có ý định tập kích thành phố Moscow.
Với những diễn biến mới xuất hiện nói trên, cuộc chiến tại Ukraine không những chưa có dấu hiệu chấm dứt mà đang đánh dấu bước sang một giai đoạn mới còn ác liệt hơn, nguy cơ ảnh hưởng đến thế giới có thể cũng nghiêm trọng hơn nếu các bên không có ý định dừng lại việc leo thang xung đột.