Chính sách giáo dục

Giải pháp chiến lược nhằm xây dựng nền giáo dục Việt Nam mở, thực học

16/05/2025 15:29

Việc sửa đổi Luật Giáo dục được kỳ vọng tạo khung pháp lý nhất quán, ổn định...

Có hiệu lực từ 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 có gần 5 năm đi vào cuộc sống, góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Luật trong thực tiễn cũng xuất hiện một số hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, bối cảnh hội nhập quốc tế, chuyển đổi số ngày càng sâu rộng; nhiều quy định pháp luật mới được ban hành trong quá trình thực hiện chủ trương về sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, đơn vị hành chính các cấp đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải sửa đổi, bổ sung Luật này.

Thực hiện phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Dự thảo hồ sơ dự án Luật được Bộ GD&ĐT công khai, xin ý kiến góp ý rộng rãi. Tinh thần sửa đổi chỉ tập trung vào nội dung cốt lõi, cấp thiết; triệt để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung xử lý nội dung có tính nguyên tắc, làm cơ sở định hướng sửa đổi các luật chuyên ngành trong hệ thống giáo dục; bám sát chủ trương của Đảng, định hướng lớn của Quốc hội, Chính phủ về đổi mới quản trị quốc gia và tổ chức bộ máy.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có nhiều chính sách mới, quan trọng, như: Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 đến 5 tuổi; miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập; hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ em, học sinh phổ thông trong cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; giáo dục nghề nghiệp gồm trung học nghề và cao đẳng (không còn trường trung cấp nghề); giao giám đốc sở GD&ĐT tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và UBND cấp tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương.

Dự thảo đồng thời tháo gỡ vướng mắc về Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập theo hướng không quy định thành lập Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục này. Chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông từ cơ quan hành chính Nhà nước về cơ sở giáo dục để tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản trị cơ sở giáo dục.

Quy định về bảo đảm chất lượng đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên theo hướng không thực hiện kiểm định các cơ sở giáo dục nói trên thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và giao Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về việc bảo đảm chất lượng đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên…

Để phù hợp với chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đề xuất giao UBND cấp xã quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS; UBND cấp tỉnh hoặc giám đốc sở GD&ĐT quản lý cơ sở giáo dục ở các cấp học còn lại, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng được thể hiện trong dự thảo Luật...

Với những sửa đổi toàn diện, nhưng vẫn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung không còn phù hợp, đang tạo điểm nghẽn, “nút thắt” và đảm bảo tính khả thi, thiết thực, việc sửa đổi Luật Giáo dục được kỳ vọng tạo khung pháp lý nhất quán, ổn định để dẫn dắt việc sửa đổi, hoàn thiện Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và liên thông giữa các luật trong lĩnh vực giáo dục. Đây là giải pháp chiến lược nhằm xây dựng nền giáo dục Việt Nam mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-chien-luoc-nham-xay-dung-nen-giao-duc-viet-nam-mo-thuc-hoc-post731374.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-chien-luoc-nham-xay-dung-nen-giao-duc-viet-nam-mo-thuc-hoc-post731374.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải pháp chiến lược nhằm xây dựng nền giáo dục Việt Nam mở, thực học