Dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế, cũng là vấn đề khó khăn trong quản lý, không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới.
Thật không dễ để cân bằng giữa đáp ứng nhu cầu chính đáng của người học, phụ huynh với việc tránh “biến tướng”, dẫn đến dạy - học thêm tràn lan.
Hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường là Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, các địa phương, từ UBND tỉnh đến sở/phòng GD&ĐT đều có văn bản chỉ đạo riêng nhằm tăng cường quản lý dạy học, thêm trên địa bàn.
Đây cũng là nội dung luôn xuất hiện trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục. Khá nhiều trường thành lập Ban quản lý dạy thêm, học thêm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để xây dựng quy định dạy thêm trong nhà trường và kiểm tra, giám sát hoạt động này của giáo viên, học sinh theo quy định.
Cùng với tăng cường quản lý, những giải pháp căn cơ hơn đã và đang được ngành Giáo dục quyết tâm triển khai như: Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học; áp dụng các phương pháp dạy học tích cực; kiểm tra, đánh giá một cách toàn diện, không chỉ thông qua điểm số; đổi mới thi cử; chế độ đãi ngộ cho giáo viên…
Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng; vi phạm trong dạy - học thêm tồn tại và còn hiện tượng học sinh bị “ép” phải học thêm dưới danh nghĩa tự nguyện. Nguyên nhân chính được cho là còn áp lực thi cử, bệnh thành tích.
Thực tế cho thấy, nhu cầu học thêm lớn thường ở các môn xuất hiện trong các kỳ thi quan trọng. Ngoài ra, tồn tại bất cập dai dẳng còn bởi quan điểm, nhận thức chưa đúng của cha mẹ học sinh; một bộ phận giáo viên lạm dụng việc dạy thêm với mục đích không tích cực, không phù hợp với chuẩn mực lương tâm của nhà giáo; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm chưa chặt chẽ, xử lý vi phạm chưa kịp thời, đủ sức răn đe nên hiệu quả chưa cao...
Giảm thiểu vi phạm về dạy thêm, học thêm cần thay đổi nhận thức của các bên liên quan. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng và không thể một sớm một chiều. Giải pháp trước mắt, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của hiệu trưởng nhà trường vô cùng quan trọng. Khi hiệu trưởng kiên quyết nói không với những hoạt động trái quy định, không đúng với lương tâm người thầy thì khó có chỗ cho tiêu cực trong dạy học thêm ở nhà trường.
Hơn 10 năm làm công tác quản lý, một hiệu trưởng trường THPT công lập ở Quảng Trị chia sẻ giải pháp ngăn chặn tiêu cực trong dạy học thêm đã thực hiện và rất hiệu quả là làm hòm thư góp ý và mỗi tiết Chào cờ đầu tuần đều trực tiếp động viên, khích lệ học sinh mạnh dạn gửi ý kiến. Hai tuần một lần, hiệu trưởng giải trình công khai các thắc mắc hoặc nguyện vọng của học sinh. Giáo viên nào có ý kiến phản ánh từ học sinh, hiệu trưởng đều mời lên gặp và trao đổi.
“Có khi phải dùng cả biện pháp như điều chuyển sang dạy lớp khác, kiểm tra đột xuất, bố trí giáo viên không dạy thêm để ra đề kiểm tra... Sau vài năm như thế, tình hình dạy thêm ở trường rất lành mạnh”, hiệu trưởng này chia sẻ.
Liên quan đến giải pháp, nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục ủng hộ Bộ GD&ĐT ban hành mới quy định về quản lý dạy thêm, học thêm; trong đó tăng cường tính công khai, minh bạch để không chỉ cơ quan quản lý mà cả xã hội cùng giám sát.
Có ý kiến góp ý giải pháp đột phá với việc quản lý dạy - học thêm trên nền tảng trực tuyến thống nhất toàn quốc và theo từng địa phương. Rõ ràng, ứng dụng công nghệ trong hoạt động này cần được tính đến khi chuyển đổi số trong giáo dục đang diễn ra mạnh mẽ.