Nêu thực trạng sức khỏe thể chất, tinh thần của giới trẻ hiện nay, các chuyên gia, nhà quản lý đưa giải pháp giúp thế hệ tương lai vươn mình.
Ngày 4/4, Báo Nhân Dân phối hợp cùng Tập đoàn TH tổ chức Hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trong những năm qua, công tác dinh dưỡng cho trẻ em và dinh dưỡng học đường đã được quan tâm chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2015-2020.
Cùng với đó, nhiều chương trình, chiến lược cụ thể về dinh dưỡng và thể lực đã được ban hành với mục tiêu trọng tâm là cải thiện dinh dưỡng và thể lực của trẻ em, đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu như: Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể, bữa ăn của học sinh được bảo đảm hơn về số lượng và chất lượng. Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi ở trẻ em sớm hơn dự định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng đang phải đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi tiền tiểu học và tiểu học, ở cả vùng nông thôn và thành thị, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em, học sinh vẫn còn ở mức cao.
Trong khi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bữa ăn trẻ em, học sinh còn thiếu về số lượng, mất cân đối về chất lượng thì tại các vùng đô thị, tình trạng ăn uống bất hợp lý đang trở thành phổ biến: ăn thừa năng lượng, tiêu thụ nhiều chất béo, đường, muối và các loại thực phẩm chế biến sẵn có đậm độ năng lượng cao, nhiều acid béo, chỉ số đường huyết cao, nghèo vi chất dinh dưỡng và chất xơ, ít ăn rau và trái cây, thiếu vận động thể lực.
Bên cạnh đó, sức khỏe và thể chất trẻ em, học sinh hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa bảo đảm được đủ thời gian hoạt động thể lực hàng ngày dẫn đến tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ em, trong đó trên 50% là do vai trò của bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực, ngoài ra là các yếu tố khác như di truyền, tâm lý, sức khỏe... Vì vậy, cần phải đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể lực và trí tuệ, làm cơ sở để tiếp nhận và phát triển khoa học kỹ thuật, cho trẻ em trong giai đoạn này.
Bộ GD&ĐT xác định bảo đảm dinh dưỡng học đường và tăng cường các hoạt động thể lực là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội để góp phần vào sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ con người và nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh.
Học sinh được hưởng thụ bữa ăn học đường với các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cân đối, phù hợp trong trường học không những giúp các em nâng cao sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh lý rối loạn dinh dưỡng như thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm mà còn xây dựng thói quen dinh dưỡng lành mạnh.
Bên cạnh đó các em được kết hợp vui chơi, vận động phù hợp với nhu cầu sở thích và lứa tuổi qua các hoạt động giáo dục thể chất, giáo dục ngoài giờ, các trò chơi trải nghiệm sẽ tạo môi trường gắn kết, giúp các em phát triển hài hòa thể chất, tinh thần.
Chia sẻ tại hội thảo, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương nhắc đến bức tranh về trẻ em tâm thần hiện nay rất nhức nhối, trong đó, tỷ lệ rối loạn lo âu là phổ lớn nhất.
Theo thống kế mới nhất, có tới 29% trẻ em Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung (có ít nhất một rối loạn tâm thần).
Phổ biến nhất về vấn đề sức khỏe tâm thần chính là rối loạn lo âu. Rối loạn lo âu có nhiều hình thái khác nhau như: trẻ con chịu nhiều áp lực học tập, kỳ vọng từ cha mẹ...
Hiện có khoảng 1/4 số trẻ em bị trầm cảm. Ngoài trầm cảm, lo âu, trẻ còn có hành vi tự làm đau bản thân như dùng dao lam cạo tay khi không nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ cha mẹ.
Bác sĩ Mai khuyến cáo, hiện tình trạng bắt nạt học đường ngày càng trở nên tinh vi khi có sự hỗ trợ của mạng xã hội. Nhiều em đến khám trong tình trạng hoảng loạn. Cha mẹ hầu như chỉ quan tâm đến điểm số, rồi vì sao các cô giáo phàn nàn nhiều nhưng lại không quan tâm đến đời sống học đường của con. Nhiều cha mẹ cho con đi khám cũng không hề nắm bắt được con em mình bị bắt nạt học đường. Thực tế, những tổn thương tinh thần do bắt nạt học đường không thể cân đo đong đếm được.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thì đề cập đến hai vấn đề: sức khỏe tình dục (kiến thức về các bệnh lây truyền qua đường tình dục) và an toàn tình dục.
Hiện nay chúng ta đã cung cấp nhiều kiến thức về an toàn tình dục cho các bạn trẻ, nhưng quan trọng hơn nữa là chúng ta phải giúp các em trưởng thành không chỉ về sức khỏe, thể chất mà còn cả tinh thần, kiến thức xã hội. Các gia đình cần quan tâm đến y học giới tính, về tính dục trong giới tính của trẻ hiện nay (thí dụ như muốn yêu đồng giới). Đây là điều mà nhiều bác sĩ cũng lúng túng trong tư vấn.
Để khắc phục những khó khăn, bất cập, đồng thời phát huy các kết quả đã đạt được và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về phát triển thể lực tầm vóc và dinh dưỡng học đường, ông Nguyễn Nho Huy cho biết, Bộ GD&ĐT cam kết thực hiện công tác bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Bên cạnh các giải pháp Bộ GD&ĐT thực hiện, ông Nguyễn Nho Huy cũng đưa các kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương. Trong đó có kiến nghị Quốc hội đưa các nội dung quy định về dinh dưỡng học đường trong Luật Phòng bệnh và xem xét, thông qua. Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất tiến tới xây dựng Luật Dinh dưỡng/Luật Dinh dưỡng học đường.
Cùng quan điểm, Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH mong muốn Luật dinh dưỡng học đường sẽ được triển khai và đưa vào thực tế, đây sẽ là nền tảng để các đơn vị có thể thực hiện trên đường dài.
Liên quan đến nội dung này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng (Bộ Y tế), cho biết: hiện Bộ Y tế đang tập trung xây dựng Luật phòng bệnh, trong đó có các chương về dinh dưỡng và theo các lứa tuổi, trong đó dinh dưỡng học đường được quan tâm. Đề cương của dự án Luật này đã được thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 10 năm 2025.
Khi dự án Luật xin ý kiến công khai, Bộ Y tế rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý để hoàn thiện dự án luật. Đây là giải pháp quan trọng cho tương lai của thế hệ trẻ.
Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực y tế đối với công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực y tế, chúng ta phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Hoàn thiện thể chế và các quy định pháp luật liên quan đến đặc thù đào tạo nhân lực y tế; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên; đổi mới chương trình và tài liệu đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo; tăng cường chất lượng đào tạo thực hành; chú trọng công tác kiểm định chất lượng đào tạo, xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế bảo đảm chuẩn đầu ra trong đào tạo nhân lực y tế…
Trao đổi về nội dung đưa khoa học kỹ thuật thể thao vào trường học, TS Vũ Thái Hồng - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao cho biết, các quốc gia trên thế giới luôn quan tâm đến phát triển thể lực, tầm vóc và xây dựng lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.
Việc đưa khoa học công nghệ vào nhà trường đem lại giá trị trước mắt là nâng cao sức khỏe, thay đổi nhận thức và lối sống của học sinh, tạo một tư duy cập nhật được khoa học công nghệ hiện đại. Giá trị lâu dài là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tạo giống nòi và nâng cao thể lực, tầm vóc, thúc đẩy tư duy và lối sống lành mạnh của các em học sinh.