Tuy nhiên, một số đô thị có biển đang phát triển khá "nóng", tạo áp lực lên hạ tầng xã hội, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, xâm lấn không gian công cộng. Cùng với đó, là sự phát triển quá mức của các cơ sở lưu trú, ăn uống dọc các tuyến đường ven biển. Hiện tượng "phân lô, bán nền" mặt biển xuất phát từ tư duy tập trung cho kinh tế trước mắt, xảy ra tại nhiều địa phương đang là "tâm điểm" của du lịch biển. Hậu quả là không gian biển bị phá vỡ bởi hệ thống nhà cao tầng chắn ngang mặt biển, thiếu không gian công cộng.
Đó là chưa kể, tư duy quy hoạch cho đô thị có biển chưa đủ tầm nhìn và không theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Công tác quản lý, đầu tư, khai thác đô thị có biển thiếu tính tổng thể, đồng bộ, có nơi bỏ qua lợi ích cộng đồng.
TS - kiến trúc sư Ngô Trung Hải, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam chỉ rõ, các đô thị từ khi hình thành đã bám vào yếu tố nước như một điều kiện tất yếu để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, quá trình diễn biến của đô thị thành phố dường như "ngoảnh lại" với dòng sông, lấn chiếm lòng hồ và biến những nơi này thành nơi chứa nước thải, rác thải ô nhiễm. Khi cân bằng âm - dương giữa nước và đất trong đô thị không còn, dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ, suy giảm nước ngầm...
Hiến kế giải pháp cụ thể, kiến trúc sư Ngô Trung Hải cho rằng, nền xây dựng phải được cân bằng đào đắp trong đô thị. Các cao độ địa hình đề xuất tương ứng với các hoạt động cụ thể (từ hoạt động nông nghiệp đến chức năng đô thị). Mỗi mét vuông đắp hay xây dựng bằng vật liệu cứng cần phải đi đôi với một mét vuông mở và có khả năng thấm nước.
Kế đến, là thiết lập không gian cho nước, dành chỗ cho nước như là một chức năng thiết yếu trong đô thị bằng cách xây dựng hồ chứa, hồ điều hòa, liên thông hệ thống kênh mương nhằm điều tiết lượng nước trong khu vực; tăng hệ số thấm trong đô thị bằng các công viên, không gian mở, sử dụng vật liệu thấm tại vỉa hè, sân công trình, bãi đỗ xe, xây dựng công trình xanh…
Đồng thời, quá trình quy hoạch cần khai thác tối ưu các vùng ngập lụt theo mùa bằng cách tăng giải pháp "đê mềm". Đối với các vùng ngập lụt theo định kỳ, hình thành các dải cây xanh đa chức năng theo từng cao độ thích hợp nhằm xóa đi các vùng "không gian chết" dọc hành lang đê và khu vực bảo vệ đê, hình thành vùng cây xanh, sinh thái nông nghiệp, dịch vụ du lịch theo thời vụ.
Chỉ khi vấn nạn ngập nước ở các đô thị được giải quyết, thì sự phát triển của đô thị mới có thể tiệm cận yếu tố bền vững.
TS - kiến trúc sư Ngô Trung Hải cho rằng, việc giải quyết vấn đề ngập lụt phải thực hiện theo chuyên ngành (đô thị, cấp nước, thoát nước); theo đối tượng (người nghèo, giới, điểm dân cư, đối tượng nhạy cảm…); kiến tạo các hình thức đô thị hóa mới và hình thái đô thị mới theo hướng thích ứng, thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng sống.
Trong quá trình lập quy hoạch đô thị nước, các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần phân tích các yếu tố tự nhiên như địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hải văn, mặt nước…; xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ phân bố vùng sản xuất và bản đồ cao độ nền địa hình để nhận biết logic cảnh quan của khu vực.