Giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đào tạo vùng là các điều kiện đảm bảo chất lượng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, mặc dù là vùng, nhưng các giải pháp căn cơ đều là giải pháp mang tính quốc gia: cơ sở vật chất đủ trường lớn tiến đến hiện đại hóa; vấn đề dùng ngân sách trong giáo dục; sử dụng, phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, ngành giáo dục cũng đang xác định khâu đột phá mọi vấn đề phát triển giáo dục và đào tạo là giáo viên.
Đại diện các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ phát biểu ý kiến tại hội nghị. |
Muốn các chỉ số được nâng lên toàn diện, bên cạnh giáo dục mũi nhọn phải đảm bảo chất lượng giáo dục ở vùng miền núi sâu, chia cắt và hải đảo. Phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú.
Hiện, toàn ngành cũng đang triển khai nhiều giải pháp như: rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thể chế; chuyển đổi số và thực hiện đề án 06, đẩy mạnh mô hình trường đại học thông minh, đại học số…
So với các vùng khác, tỷ lệ người học đại học của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đang thấp. Cần có giải pháp về chỗ học, khuyến khích học, giải quyết việc làm… Đây không chỉ là vấn đề dân trí mà đồng thời cũng là vấn đề nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý vấn đề quốc tế hóa trong toàn vùng phải đổi mới rất nhiều để tương xứng với lợi thế vùng biển. Hiện tại khu vực miền Trung - khúc giữa của đất nước chưa có trung tâm giáo dục đại học tương ứng. Có hai Đại học vùng là Đà Nẵng và Huế, nhưng chưa đủ mạnh và phát huy hiệu quả như 2 trung tâm ở phía Nam và phía Bắc. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung cho công việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới đại học, trường đại học, cao đẳng. Bên cạnh định hướng phát triển ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế thành Đại học quốc gia thì nghiên cứu, cân nhắc phát triển các đại học theo vùng. Đồng thời “dồn điền đổi thửa” tính đến giải quyết những tồn tại trong hoạt động các trường đại học, cao đẳng tại địa phương.
Cùng với quy hoạch, sắp xếp trường đại học, cao đẳng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương quan tâm đến quy hoạch hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông hợp lý. Đặc biệt dành quỹ đất cho giáo dục và đào tạo, mạng lưới trường lớp.
Đây là vùng có chỉ số học sinh giỏi quốc gia, quốc tế cao so với các vùng khác. Trong thời gian tới, cần xác định vai trò quan trọng của trường chuyên, nhưng phải đổi mới mô hình. Hướng đến là nơi phát hiện bồi dưỡng nhân tài, đây là câu chuyện cho tương lai không chỉ cho vùng, mà còn mang tính chiến lược mang tầm quốc gia. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sự thành công của giáo dục là thành công chung cho đất nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý các tỉnh, thành phố về nhiệm vụ trước mắt. Đó là chuẩn bị tốt cho tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của toàn ngành. Tiếp tục đẩy mạnh khâu chuẩn bị cho thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Đây là thời điểm đặc biệt khi chương trình đang triển khai đến lớp 4, lớp 8 và lớp 11 và năm tới sẽ hoàn thành lộ trình, nên cần sự quan tâm đặc biệt. Trong dịp hè, chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024, cần đảm bảo SGK cho học sinh cả chương trình mới lẫn hiện hành. Công tác phân phối, phát hành sách cần đúng quy định.
Thời điểm này, ngành cũng chuẩn bị đưa vào thí điểm chương trình mầm non mới. Bộ trưởng đề nghị các địa phương đã quan tâm đến giáo dục phổ thông thì tiếp tục quan tâm đến giáo dục mầm non.