Cô Đoàn Thu Hà nhận định, đổi mới kiểm tra, đánh giá đã phát huy được hiệu quả. Cụ thể, giáo viên dần vững vàng nghiệp vụ, ra đề và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Từ đó, thầy cô có thể đánh giá chính xác năng lực của học sinh theo quá trình, đặc biệt là trong các tình huống, các bối cảnh có ý nghĩa; kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp.
Học sinh có cơ hội để vận dụng tổng hợp các kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề, hoàn thành một nhiệm vụ trong bối cảnh thực. Các em được giáo viên hướng dẫn, cung cấp công cụ để tự đánh giá, đánh giá chéo trong nhóm. Từ đó có khả năng tự đánh giá và có kế hoạch học tập phù hợp, khích lệ học sinh tích cực học tập.
Tuy nhiên, cô Đoàn Thu Hà cũng chia sẻ, thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá định kỳ có khó khăn bởi đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức của giáo viên; thầy cô cần được đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ để xây dựng được đề và tiêu chí đánh giá đảm bảo khoa học, chất lượng.
Giải pháp cho vấn đề này, theo cô Đoàn Thu Hà là cần đào tạo giáo viên về các phương pháp, kỹ thuật, hình thức đánh giá mới, hướng dẫn cách thức ra đề, kiểm tra mở, theo cách tiếp cận năng lực.
Nhà trường triển khai cụ thể, rõ ràng việc đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá đối với giáo viên, nhằm từng bước thay đổi thói quen cũ, trở thành yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn quan trọng. Xây dựng kho đề, ngân hàng đề để giáo viên trao đổi chuyên môn”, cô Đoàn Thu Hà cho hay.
Cùng với đó, các môn, tổ chuyên môn cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá từ đầu năm học, phân tích kỹ chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng bài, từng chương, từng nhóm đối tượng học sinh. Xác định rõ mục đích đánh giá, chọn lựa công cụ đánh giá cho phù hợp, bám sát mục tiêu yêu cầu cần đạt, phù hợp với tình hình đặc điểm của nhà trường.
Về giáo viên, cần được đào tạo về kỹ năng, kỹ thuật ra đề và bộ tiêu chí đánh giá. Học sinh được phổ biến, được cung cấp đầy đủ các yêu cầu, các rubric đánh giá. Các em cũng phải được thực hiện đa dạng các hình thức đánh giá trong suốt quá trình học tập ở các hoạt động học tập, các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ
Cô Nguyễn Thị Bích Huy thì cho rằng, giáo viên cần định hướng cho học sinh nội dung trọng tâm ở mỗi đơn vị kiến thức của bài học. Định hướng ma trận, dạng đề… và tăng cường rèn luyện học sinh làm quen với dạng đề kiểm tra thường gặp để từng bước làm tốt hơn bài kiểm tra định kỳ. Đôn đốc để học sinh phát huy tinh thần tự học ở nhà; không gây áp lực đối với học sinh…
“Để vận dụng được nhiều hình thức kiểm tra định kỳ phong phú, hiệu quả, nhà trường rất mong muốn có một phòng máy tính với đủ số lượng máy cho học sinh thực hiện kiểm tra thuận lợi hơn”, cô Nguyễn Thị Bích Huy nêu nguyện vọng.