Một doanh nhân trong vai trò giám khảo của nhiều cuộc thi khởi nghiệp đã thẳng thắn nhận xét, nếu “bê nguyên xi” các dự án khởi nghiệp của sinh viên, cho dù là những dự án đạt giải cao để triển khai vào thực tế thì gần như chắc chắn sẽ thất bại. Điển hình như Dự án Vút bay của nhóm 20 sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại Đà Nẵng. Dự án đã được đưa vào chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng”.
Từ dự án khởi nghiệp đến một start-up thành công là một chặng đường dài mà sinh viên thiếu cả kỹ năng kêu gọi vốn, bán ý tưởng hoặc kỹ năng quản trị, phát triển doanh nghiệp nên dễ “chết yểu”.
Hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp
Theo ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator-Shi), điểm mạnh lớn nhất của sinh viên khởi nghiệp là sáng tạo, có thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ, có quyết tâm theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, để thành công, sinh viên cần học hỏi và tiếp thu những kiến thức ngoài chuyên môn và kỹ năng mềm.
Anh Lê Văn Kiêm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Healthy Fungi thừa nhận: “Ở giai đoạn đầu của dự án, ngoài thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ, các thành viên gần như thiếu rất nhiều kiến thức và kỹ năng liên quan đến khởi sự doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, định hướng sản phẩm cũng như mức độ am hiểu về thị trường và khách hàng. Thậm chí, ngay cả định giá sản phẩm chúng tôi cũng rất lúng túng chứ chưa nói đến định hướng đường đi của sản phẩm”.
Để hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng đã chuyển giao dự án đến các vùng nông thôn nhằm hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp cho thanh niên ở khu vực này. Nhà trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các chương trình triển lãm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong khu vực. Với sự hỗ trợ này, dự án Trà hoa nấm của nhóm sinh viên nhà trường đã bắt đầu đưa được sản phẩm ra thị trường.
Để tạo bệ phóng cho sinh viên khởi nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực kết nối với doanh nghiệp, các vườn ươm cũng như quỹ đầu tư để hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp. Cuối năm 2021, ĐH Đà Nẵng đã ký hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ, Thành đoàn Đà Nẵng về phát triển khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo trong sinh viên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.
Theo đó, các bên sẽ xây dựng không gian sáng tạo trong trường học; giúp học sinh, sinh viên tiếp cận khoa học, công nghệ mới, tạo cảm hứng sáng tạo; hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của đoàn viên, thanh niên; kết nối ý tưởng, sản phẩm đổi mới sáng tạo của đoàn viên, sinh viên với doanh nghiệp có nhu cầu. Để cụ thể hóa, Thành đoàn Đà Nẵng đã phối hợp với Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng để thực hiện chương trình đào tạo với tên gọi Bệ phóng khởi nghiệp dành cho đoàn viên năm 2022.