Các em hãy nhớ, đề thi khó hay dễ là chung với tất cả thí sinh dự thi. Do đó, việc cần quan tâm là kiến thức, kỹ năng làm bài của bản thân. Các em cần ôn bài đúng cách, có thể tạo nhóm với bạn bè để cùng nhau giải các bộ đề thi của những năm trước, bấm giờ như thi thật, đối chiếu với đáp án, bài nào sai thì mình làm lại 2, 3 lần. Điều này sẽ giúp các em tập làm quen với không khí khi thi thật, giảm áp lực để tự tin đối diện kỳ thi.
Áp lực học tập là điều không thể tránh khỏi của lứa tuổi học sinh. Ảnh: MT |
- Theo ông, khi gặp những biểu hiện áp lực học tập nào thì học sinh cuối cấp cần tìm đến chuyên gia tâm lý?
- Khi học sinh bắt đầu cảm thấy bất ổn và không kiểm soát được áp lực học tập, việc tìm đến sự hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý là bước quan trọng. Chuyên gia có thể cung cấp sự hiểu biết và hỗ trợ tâm lý, giúp các em xác định nguyên nhân áp lực và phát triển chiến lược giải quyết vấn đề.
Bằng cách nắm vững những công cụ và kỹ thuật, chuyên gia có khả năng hướng dẫn học sinh xây dựng sức mạnh tâm lý và kiên trì trong quá trình đối mặt với áp lực. Việc tìm đến sự giúp đỡ chuyên sâu này không chỉ giúp học sinh vượt qua khó khăn hiện tại, mà còn làm tăng cường khả năng tự chủ, tự quản lý cảm xúc trong tương lai.
Quan trọng hơn nữa, chuyên gia tâm lý có thể tạo ra một không gian an toàn và không đánh giá; là nơi học sinh có thể chia sẻ mọi lo ngại, nỗi sợ, áp lực mà các em đang phải đối mặt. Sự lắng nghe và hỗ trợ từ chuyên gia tâm lý không chỉ giúp học sinh giải quyết vấn đề hiện tại mà còn thúc đẩy quá trình phát triển cá nhân.
Áp lực học tập là điều không thể tránh khỏi của lứa tuổi học sinh. Quan trọng là chúng ta cần biết cách cân bằng thời gian học tập và vui chơi, nghỉ ngơi để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể gây ra.
Học sinh tham dự bài khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: MT |
- Để hóa giải áp lực học tập cho học sinh cuối cấp, theo ông, gia đình, nhà trường và xã hội đóng vai trò ra sao và cần giải pháp hỗ trợ gì?
- Để giải quyết vấn đề áp lực học tập cho học sinh, sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội được xem như chìa khóa quan trọng. Gia đình cần thông cảm, hiểu rõ mong muốn, nhu cầu của con cái. Về phía nhà trường phải tạo ra môi trường học tập tích cực và có sự hỗ trợ đa chiều.
Gia đình có thể đóng góp tích cực bằng cách khuyến khích sự đa dạng và phát triển toàn diện cho con cái; tạo ra môi trường ấm cúng mà học sinh cảm thấy được yêu thương, động viên mà không dựa vào thành tích học tập.
Nhà trường cần đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp, giúp học sinh hiểu rõ hơn về lựa chọn tương lai.
Xã hội cần thay đổi quan điểm về thành công, không đánh giá dựa trên bảng điểm mà có thể từ những kỹ năng sống và giá trị cá nhân. Việc này sẽ giúp giảm áp lực đánh giá từ xã hội, tạo nên không gian tự do để học sinh phát triển.
Hệ thống giáo dục có thể cân nhắc xem xét lại cách đánh giá để tạo ra quy trình công bằng hơn, không chỉ tập trung vào kết quả cuối cùng mà còn chú trọng vào quá trình học tập, sự phát triển tổng thể của học sinh.
Cộng đồng cần đồng lòng nhìn nhận giá trị của sự đa dạng và khuyến khích sự sáng tạo, từ đó giúp học sinh xây dựng lòng tin vào bản thân và hiểu rõ giá trị của chính mình.
“Một mẹo nhỏ hữu ích khi đi thi, các em nên mang theo chocolate hoặc vài thanh singum. Chocolate có thể cung cấp năng lượng và tỉnh táo hơn. Nhớ mang theo đồng hồ (kiểm soát và quản lý thời gian làm bài), nước uống (đừng để cơ thể thiếu nước sẽ gây cảm giác khó chịu) và nhớ giữ tinh thần thoải mái, nở nụ cười với bạn bè xung quanh cũng như thầy cô giám thị để có được tinh thần tốt nhất cho kỳ thi quan trọng này”. - Tiến sĩ Đào Lê Hòa An