Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, ông Lương Ngọc Minh, nhận thấy dịch bệnh khiến sinh viên làm việc trái ngành trái nghề, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này tại Việt Nam, các em đã chọn đề tài “Dự định nghề nghiệp của sinh viên năm cuối tại các trường đại học ở Việt Nam trong bối cảnh Covid-19”. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra dự báo nguồn cung nhân lực trong tương lai, giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, sinh viên làm trái ngành trái nghề, thừa hoặc thiếu nhân sự. Kết quả nghiên cứu mang tính thực tiễn cao, dựa vào khó khăn của bản thân và sinh viên đồng trang lứa đang đối mặt mỗi ngày.
Thành viên nhóm nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quỳnh nhớ lại: Đối với sinh viên, nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động quan trọng, từ bước chuẩn bị, lên ý tưởng, tìm kiếm tài liệu tham khảo, thu thập thông tin, vận dụng kỹ năng phân tích tổng hợp…
Có được chủ đề hay chưa đủ, còn tìm giải pháp hiện thực hóa ý tưởng nhưng lại bị hạn chế trong việc tìm nguồn tư liệu. Bởi có quá ít đề tài nghiên cứu có điểm tương đồng với đề tài nhóm đã chọn. Không chỉ vậy, khi tìm nguồn sẽ phải sàng lọc những nội dung trọng điểm để phục vụ cho bài nghiên cứu.
Giai đoạn này cần nhiều thời gian nhất. Khó khăn tiếp theo chính là lựa chọn đối tượng khảo sát phục vụ đề tài. Nhóm cần danh sách sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau để gửi khảo sát đến (không chỉ qua email mà còn trong group trường).
Còn với Nguyễn Nguyên Hạnh, việc sắp xếp, cân đối thời gian giữa việc học tập trên lớp với nghiên cứu và đi làm thêm cũng là một trong những khó khăn sinh viên thường gặp phải. Thỉnh thoảng có tình trạng không thể bố trí thời gian phù hợp cho các thành viên trong nhóm có mặt đầy đủ để họp và trao đổi.
Khó khăn là vậy nhưng NCKH đem lại cho các thành viên nhiều lợi ích. Trước hết là tăng khả năng đọc hiểu thông qua việc tiếp cận tài liệu tham khảo để chắt lọc thông tin cũng như giúp sinh viên mở rộng kiến thức.
“Vất vả thật, nhất là bối cảnh Covid-19 đang diễn ra, nhưng có thể nói, NCKH đã giúp nhóm phát huy khả năng sáng tạo, tư duy cũng như trau dồi kiến thức; trang bị cho bản thân kỹ năng làm việc khác nhau”, Nguyên Hạnh bày tỏ.
Đi qua chặng đường xây dựng đề tài, tập hợp tư liệu, đánh giá và thực hiện nghiên cứu thành công, điều quan trọng là phải bảo vệ thành công đề tài của mình. Nói cách khác là phải “Giải tỏa nỗi lo không có việc làm sau tốt nghiệp” trước hội đồng chấm giải.
Chia sẻ thông tin, thành viên Nguyễn Thị Tuyết vui vẻ kể: Nhóm đã tận dụng tối đa các kỹ năng như làm việc nhóm, tư duy phản biện, thuyết trình để bảo vệ đề tài nghiên cứu…
“Là sinh viên của một khoa chuyên ngành học bằng tiếng Anh nên khi viết nghiên cứu cộng kỹ năng diễn giải đã giúp nhóm thuyết phục hội đồng tốt hơn. Đặc biệt, trong quá trình làm khảo sát, chúng em có cơ hội thiết lập các mối quan hệ với sinh viên từ các trường đại học khác nhau. Có lẽ đây là minh chứng thuyết phục nhất để hội đồng chấm đề tài đoạt giải Nhất”, Nguyễn Thị Tuyết bộc bạch.