Cô Hoàng Thị Ngọc Anh, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Nam Từ Liêm) nhận định, áp lực đến từ việc chỉ có một tỉ lệ học sinh được vào trường công chứ không phải là thi nhiều hay ít môn. Đối với học sinh dù thi 3 hay 4 môn thì vẫn áp lực như vậy. Quan trọng việc các em phải biết phân bố thời gian, có kế hoạch học tập hợp lý.
Theo thầy Đinh Đức Hiền - Trung tâm giáo dục Học mãi, nhận định: Áp lực kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội diễn ra nhiều năm nay bởi tính cạnh tranh cao, số chỉ tiêu ít, không đáp ứng được tất cả học sinh đều có thể học trường công. Cha mẹ luôn đặt mục tiêu cho con phải đỗ trường công nên gây áp lực lớn cho các em.
Việc thi môn thứ 4 không ảnh hưởng nhiều đến kết quả của kỳ thi bởi Toán, Văn thường được nhân hệ số 2. Thực tế những năm thi 4 môn thì môn thứ 4 lại là môn học sinh đạt được điểm cao nhất vì đề thi nhẹ nhàng. Việc học sinh biết trước sẽ chỉ thi 3 môn chắc chắn các môn học khác không được chú ý, sẽ hổng kiến thức các cấp học trên.
Thầy Hiền đề xuất thời gian tới vẫn giữ phương án thi 4 môn để đảm bảo chất lượng học tập của học sinh nhưng cần thay đổi. Ví như, môn thi thứ 4 không phải môn thi nào đó cụ thể, nên là một phần thi với kiến thức tổng hợp các môn học nhằm đánh giá năng lực học sinh một cách toàn diện, theo đúng định hướng Chương trình GDPT mới.
Trước khi UBND TP Hà Nội quyết định số môn thi, tại các trường THCS trên địa bàn thành phố, không khí ôn tập cho học sinh lớp 9 diễn ra nghiêm túc, bài bản, đúng tiến độ với kế hoạch đặt ra từ đầu năm học. Việc thi 3 môn hay 4 môn vào lớp 10 không ảnh hưởng đến quá trình học tập và ôn luyện.
Cô Ngô Thị Diệp Lan - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) cho biết, nhà trường không chờ công bố môn thi mới ôn tập cho học sinh mà việc học, ôn tập được triển khai theo kế hoạch giáo dục xây dựng trước đó. Các thầy cô giáo và học sinh luôn sẵn sàng tâm thế đón nhận môn thi thứ 4. Khi thành phố quyết định chỉ thi 3 môn, học sinh cùng thầy cô sẽ rất chủ động triển khai các hình thức ôn tập.
Thời gian tới, nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9 và thi thử theo từng giai đoạn để các em biết sức học của mình. Cùng đó, các thầy cô bộ môn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, thông báo cho phụ huynh về tình hình học tập của con em để phối hợp quản lý, thúc đẩy học sinh ôn tập hiệu quả.
Thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (quận Đống Đa) cho biết: Ngay từ đầu năm học, trường đã thực hiện phân công chuyên môn các thầy cô giáo có kinh nghiệm, trình độ vững vàng dạy các lớp 9. Với các môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, các thầy cô giáo đồng thời thực hiện “dạy mới, ôn cũ” theo các dạng bài thi vào lớp 10.
Hàng tháng, nhà trường đều có các bài kiểm tra khảo sát. Qua đó, thầy cô có biện giúp học sinh hoàn thiện kiến thức, kỹ năng làm bài thi. Việc thành phố quyết định thi 3 môn sẽ càng tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh. Mặc dù còn nhiều ý kiến ủng hộ việc thi môn thứ 4 nhưng xét tổng thể bối cảnh chung, cộng lý do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như đòi hỏi của Chương trình GDPT mới, việc thi 3 môn là phù hợp.
Theo cô Giang, lứa học sinh năm 2008 chịu thiệt thòi không kém các anh chị 2007 khi trải qua 3 năm liên tiếp chịu ảnh hưởng Covid-19. Thời gian học tập trực tuyến kéo dài vào đúng thời gian xảy ra những biến chuyển tâm sinh lý tuổi dậy thì, tâm lý của nhiều học trò bị ảnh hưởng đáng kể khiến thầy cô và cha mẹ thực sự lo lắng trước áp lực của kì thi vào 10 vốn rất cam go phía trước. Với tư cách nhà quản lý, cô hoàn toàn đồng tình với quyết định này và hi vọng nó sẽ trở thành động lực tâm lý giúp học sinh tích cực, tập trung hơn trong ôn tập, đạt được tốt nhất nguyện vọng.