"Tôi tìm hiểu thì được biết, nhiều tỉnh đã quyết định cho các cháu lớp 9 thi vào lớp 10 chỉ với ba môn để giảm áp lực như Phú Thọ, Thái Nguyên. Các con ở Hà Nội đã phải học online trong phần lớn thời gian của năm học này để phòng tránh dịch Covid-19. Năm 2020, Hà Nội cũng bỏ môn thứ 4 và chỉ thi 3 môn vào lớp 10 thì tại sao năm nay lại không tính đến phương án đó để giảm áp lực?", chị Hồng đưa ra kiến nghị.
Thừa nhận áp lực với học sinh là có khi phải thi 4 môn trong bối cảnh dịch. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Trường - phụ huynh có con học lớp 9 tại quận Nam Từ Liêm lại cho rằng, dù có thể thành phố cho thi môn thứ 4 nhưng thường là môn "gỡ điểm" cho học sinh. Anh này cho biết, thời gian qua học trực tuyến, bố mẹ đều theo sát và động viên cậu con trai của mình nên học đều các môn và phân bổ thời gian học, chơi hợp lý để sẵn sàng cho mọi kịch bản của kỳ thi quan trọng sắp tới.
Thầy Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lômônôxốp (Nam Từ Liêm) cho biết, ở góc độ nhà quản lý, khi tổ chức thi 4 môn vào lớp 10 sẽ có nhiều thông số để đánh giá việc dạy và học 4 năm THCS của thành phố. Để kết luận việc thi 3 môn hay 4 môn tốt hơn thì chưa có nghiên cứu khoa học nào để kết luận. Trước đây, dù thi 3 môn thì những trường tốp đầu vẫn chọn được học sinh Khá, Giỏi.
Năm nay, có lẽ việc thi 3 môn sẽ phù hợp với học sinh hơn. Bởi lẽ, học sinh lớp 9 chịu 3 năm học liền ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian đến trường chỉ đạt khoảng 50%. Học trực tuyến không tránh được một số môn phải học “gạo”, học “thuộc lòng”, việc “nhìn-chép” bài là khá nhiều nên sẽ giảm sự sáng tạo của học sinh. Học sinh tập trung vào 3 môn thi sẽ tốt hơn, thời gian còn lại sẽ dành cho việc nghỉ ngơi và hoạt động ngoại khóa, hàn gắn những “tổn thương tâm lý” một cách vô hình của dịch bệnh lên học sinh với thời gian ở nhà quá dài.
Là giáo viên có nhiều năm theo dõi về công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, thầy Vũ Khắc Ngọc quan điểm, thực tế áp lực cho học sinh cuối cấp không hẳn đến từ việc thi 3 hay 4 môn, mà chính nằm ở sự kỳ vọng quá lớn từ gia đình. Những năm học THPT là giai đoạn quan trọng giúp học sinh hình thành nhân cách để chuẩn bị bước vào bậc đại học.
Thầy Ngọc dẫn chứng thực tế cho thấy, từ bậc học THCS trở xuống thì sự can thiệp của bố mẹ vào việc học của con nhiều hơn rõ rệt so với bậc THPT. Do đó, sự kỳ vọng của phụ huynh vào con trẻ là rất lớn đã biến thành những áp lực với các em khi đặt mục tiêu vượt quá thực lực của con mình. Trước đây khi thành phố chỉ cho thi hai môn vào lớp 10 là Toán và Văn thì ngoài việc học trên lớp, nhiều bố mẹ vẫn ép con học ôn chỉ hai môn đấy vào một khung giờ cố định trong ngày. Và nếu thi 3, 4 môn thì vẫn tương tự như vậy.
"Ngoài ra, có những lần thi 4 môn thì môn thứ 4 các em lại đạt điểm rất cao và thành môn gỡ điểm cho thí sinh. Tâm lý lo lắng cho con đã phải học online quá lâu vì dịch rồi phải thi 4 môn của nhiều bậc phụ huynh là có thật. Nhưng, chắc chắn các nhà quản lý giáo dục của Thủ đô cũng nghĩ tới điều này và nắm bắt thực tiễn hoạt động dạy học bị ảnh hưởng ra sao. Từ đó, sẽ lựa chọn môn thi phù hợp và nội dung yêu cầu trong điều kiện thực tế.
Về bản chất của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là lấy điểm từ cao xuống thấp, khó thì khó chung mà dễ thì dễ chung. Nếu đề thi vẫn như thế thì điểm chuẩn sẽ thấp hơn và ngược lại. Phụ huynh và học sinh không nên lo lắng quá mà tự gây áp lực cho mình. Hơn nữa, thực tế những năm trước khi các em thi hai môn thì đa số các em học lệch ngay từ THCS. Khi lên THPT, các em rất khó khăn để theo được, nhất là các môn tự nhiên, đa số các em thi khối D. Khi đó, sẽ không có lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực của thành phố", thầy Ngọc phân tích.