Thông tư 22/2024 là bước tiến quan trọng, tạo ra nhiều thuận lợi cho công tác công nhận trường đạt chuẩn...
Theo quy định mới tại Thông tư 22/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 22), cấp có thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia được chuyển từ chủ tịch UBND cấp tỉnh cho giám đốc sở GD&ĐT. Thay đổi này được đánh giá phù hợp, giúp công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước bám sát thực tiễn…
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22/2024 thể hiện sự nhất quán về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông hướng đến tạo điều kiện dạy và học tập tốt nhất; góp phần nâng cao chất lượng dân trí, nguồn lực để phát triển đất nước.
Thông tư được triển khai là cơ sở để các nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, yếu, đồng thời phấn đấu xây dựng đạt chuẩn kiểm định và chuẩn quốc gia, thực hiện cải tiến chất lượng giáo dục theo yêu cầu mới.
Chúng tôi ủng hộ việc trao quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cũng như đạt kiểm định chất lượng giáo dục cho giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh/thành. Khi được trao quyền chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho địa phương trong việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đặc biệt, việc trao quyền này còn mang tính nhất quán quản lý trong ngành Giáo dục.
Những năm qua, TP Hồ Chí Minh luôn là địa phương thực hiện bài bản việc phân cấp công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Tất cả quy trình, thủ tục để tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục cũng như công nhận đạt chuẩn đều có hướng dẫn triển khai cụ thể từ các cơ quan chuyên môn Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh. Việc phân quyền cho giám đốc sở GD&ĐT công nhận trường chuẩn quốc gia là bước đi đúng đắn trong chuyên môn hóa các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường nói chung.
Tôi cho rằng, cơ quan nào quản lý về chuyên môn thì nên được giao toàn bộ công việc liên quan đến ngành dọc vì họ là người nắm rõ nhất. Điều quan trọng là phải đưa ra tiêu chuẩn và có cơ chế giám sát thực hiện những tiêu chuẩn ấy, đơn vị nào làm sai thì phải bị xử lý theo quy định. Tất nhiên, việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia phải công tâm, trách nhiệm và hiệu quả thực chất, tránh tình trạng “chuẩn hình thức” hoặc làm theo phong trào. Bởi như chúng ta đều biết, chất lượng giáo dục thực tế ở mỗi nhà trường chính là thước đo, minh chứng sống động nhất cho một ngôi trường đạt chuẩn kiểm định cũng như chuẩn quốc gia.
Việc phân cấp thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh về cho giám đốc sở GD&ĐT là phù hợp, tránh tình trạng quá tải cho lãnh đạo tỉnh/thành, đồng thời tăng tính chủ động cho sở GD&ĐT. Hơn nữa, sở GD&ĐT là cơ quan quản lý về chuyên môn nên phân quyền như vậy hoàn toàn chính xác.
Tuy nhiên, việc chuyển thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh cho giám đốc sở GD&ĐT có một số thuận lợi và khó khăn nhất định. Về thuận lợi, sẽ giúp tăng tính chủ động và linh hoạt trong quá trình quản lý, đánh giá và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; cùng đó cải thiện hiệu quả quản lý: Thông tư mới được ban hành nhằm tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý, chỉ đạo của sở GD&ĐT trong thực hiện công tác kiểm định và công nhận trường chuẩn quốc gia của các trường học.
Đặc biệt, việc phân cấp này phù hợp với xu hướng sáp nhập trường học: Quy định mới phù hợp với xu hướng hiện nay khi nhiều địa phương thực hiện sáp nhập các trường học thành trường phổ thông có nhiều cấp học. Qua đó tăng cường trách nhiệm của sở GD&ĐT; bởi việc giao nhiệm vụ tập huấn đánh giá ngoài cho sở GD&ĐT sẽ giúp các sở chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thực hiện kế hoạch đánh giá ngoài của địa phương.
Tuy nhiên, chuyển giao thẩm quyền có thể đặt ra thách thức về năng lực quản lý đối với một số sở GD&ĐT. Ngoài ra là rủi ro về chất lượng đánh giá do sự thay đổi trong cơ cấu quản lý. Vấn đề khác nữa, một số sở GD&ĐT có thể gặp khó khăn về nguồn lực (nhân lực, tài chính) để thực hiện tốt vai trò mới này hoặc có thể giảm đi sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, vì từ đây công tác này trở thành “nội bộ của ngành” gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục.
Theo đánh giá của tôi, việc chuyển giao thẩm quyền không dẫn đến buông lỏng quản lý. Thay vào đó, nó có thể được xem là bước đi nhằm tăng cường hiệu quả quản lý thông qua phân cấp phù hợp. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, cần có biện pháp giám sát và kiểm tra chặt chẽ từ cấp trên đối với hoạt động của các sở GD&ĐT.
Thông tư 22/2024 là bước tiến quan trọng, tạo ra nhiều thuận lợi cho công tác công nhận trường đạt chuẩn. Cụ thể là: Trước đây, sau khi nhà trường được đoàn đánh giá ngoài đánh giá đạt kiểm định chất lượng giáo dục từ cấp độ 2 trở lên thì sở GD&ĐT làm tờ trình gửi chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét công nhận trường đạt chuẩn.
Với thông tư mới, giám đốc sở GD&ĐT có thẩm quyền công nhận kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Thay đổi trên tạo thuận lợi về thủ tục hành chính trong việc công nhận trường đạt chuẩn; thủ tục công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quy về một mối.
Điều này dễ dàng cho việc thực hiện, đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xin công nhận trường đạt chuẩn nếu nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục từ cấp độ 2 trở lên, vì sở GD&ĐT có sự chủ động hơn trước. Thông tư 22 cũng là hành lang pháp lý, giúp công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất. Qua đó, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.
Việc chuyển cấp có thẩm quyền công nhận trường chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh về giám đốc sở GD&ĐT mang lại thuận lợi trước tiên là thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn. Sở GD&ĐT chủ động trong công nhận cho các nhà trường nếu được đoàn đánh giá ngoài đánh giá đạt từ mức 2 trở lên.
Đặc biệt, việc quản lý, công nhận trường chuẩn quốc gia vẫn thực hiện quy trình chặt chẽ theo tính chất khách quan, độc lập, minh bạch… nên không có chuyện thay đổi thẩm quyền mà việc công nhận trường đạt chuẩn trở nên “dễ dãi, buông lỏng”.
Quy định mới tại Thông tư 22/2024 của Bộ GD&ĐT được ngành Giáo dục, đặc biệt là cán bộ quản lý, nhà giáo quan tâm. Trong đó, điểm đáng ghi nhận là cấp có thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia sẽ được chuyển từ chủ tịch UBND cấp tỉnh cho giám đốc sở GD&ĐT.
Cụ thể, việc thành lập đoàn đánh giá ngoài và thẩm quyền cấp, thu hồi bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của các cấp học theo phân cấp tại Quyết định 1015/2022 của Thủ tướng Chính phủ do giám đốc sở GD&ĐT ban hành quyết định. Đây là điểm mới, được cán bộ quản lý, nhà giáo ủng hộ và đồng tình vì thay đổi theo hướng phân cấp mạnh mẽ hơn.
Trước hết, thay đổi quan trọng là thẩm quyền công nhận trường đạt chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh về cho giám đốc sở GD&ĐT sẽ giảm việc cho UBND cấp tỉnh. Sở GD&ĐT cũng chủ động hơn trong kiểm định, đánh giá; rút ngắn thời gian công nhận so với trước đây.
Việc chuyển cấp có thẩm quyền công nhận trường chuẩn quốc gia từ chủ tịch UBND cấp tỉnh cho giám đốc sở GD&ĐT có nhiều thuận lợi. Vì theo quy định cũ, sở GD&ĐT vẫn làm hết quy trình đánh giá để trình UBND cấp tỉnh ký quyết định công nhận.
Đối với ý kiến cho rằng “việc quản lý, công nhận trường chuẩn quốc gia giao về sở GD&ĐT sẽ trở nên “dễ dãi, buông lỏng” thì khó xảy ra. Vì không chỉ sở GD&ĐT mà còn có đoàn đánh giá ngoài là liên sở, đại diện một số sở, ban, ngành khác có liên quan; đại diện Công đoàn ngành Giáo dục…
“Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22/2024 thể hiện sự nhất quán về phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông, hướng đến việc mang lại điều kiện dạy và học tập tốt nhất, góp phần nâng cao chất lượng dân trí, nguồn lực. Thông tư được triển khai là cơ sở để các nhà trường đánh giá đúng điểm mạnh, yếu; phấn đấu xây dựng đạt kiểm định, chuẩn quốc gia; thực hiện cải tiến chất lượng liên tục và có hệ thống theo yêu cầu mới với mức độ cao hơn...”. - Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ)