Là mặt hàng đặc thù, giá sách giáo khoa thu hút quan tâm lớn của dư luận, nhất là tới đây mặt hàng này nằm trong danh mục Nhà nước định giá.
Trong phần kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 (ngày 1/6), Thủ tướng ghi nhận, việc giảm giá sách giáo khoa trung bình 15% có ý nghĩa trong giữ ổn định chỉ số CPI. Thủ tướng biểu dương nỗ lực, tinh thần làm việc của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Theo Thủ tướng, trước đây cứ vào năm học chỉ số giá lại tăng, trong đó có phần của giáo dục rất lớn. Sau khi cấu trúc lại việc sản xuất, sách giáo khoa đã giảm giá, góp phần giảm áp lực lạm phát.
Nhận thấy, giá sách giáo khoa luôn được phụ huynh và dư luận quan tâm, nhất là thời điểm trước thềm năm học mới, ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giảm giá sách giáo khoa năm học 2024 - 2025 là cần thiết. Qua đó, đáp ứng tâm tư nguyện vọng của phụ huynh học sinh và cử tri cả nước, bởi đây là mặt hàng đặc thù, thiết yếu phục vụ công tác giáo dục, liên quan trực tiếp tới các gia đình có con em đi học.
Luật Giá năm 2023 quy định, sách giáo khoa nằm trong danh mục Nhà nước định giá. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, ông Phạm Văn Hòa khuyến nghị, Bộ GD&ĐT cần chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá.
Do vậy, để chuẩn bị cho năm học mới, bên cạnh công tác chuyên môn, Chính phủ cần giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT tính toán kỹ việc định giá để giảm giá sách giáo khoa, bảo đảm phù hợp thực tế.
Giá sách giáo khoa đang được cộng đồng quan tâm, do đó GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đặt vấn đề, làm thế nào để kiểm soát được giá mà vẫn bảo đảm nhu cầu cho người học, phù hợp với khả năng thanh toán của người dùng, đồng thời khuyến khích được các đơn vị xuất bản những bộ sách giáo khoa có chất lượng tốt nhất.
Muốn vậy, Bộ GD&ĐT xây dựng hướng dẫn thực hiện quy định về định giá. Trên cơ sở đó, đơn vị xuất bản sẽ định giá đồng thời đưa ra mức tối đa của mỗi loại sách.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, việc đầu tiên là đánh giá, rà soát lại toàn bộ quy trình từ khâu biên soạn bản thảo sách giáo khoa, triển khai thử nghiệm, thẩm định… cho đến khi được phép in ấn và phát hành đến người học. Mỗi khâu, cần xem xét, đánh giá tỉ mỉ và có thể sửa đổi nếu chưa phù hợp nhằm tránh đội chi phí.
Học sinh tại Hà Nội tham quan triển lãm sách giáo khoa. Ảnh: Thế Đại |
Chúng ta cần căn cứ vào nhiều quy định để tính giá, chi phí đầu vào cho từng khâu… Theo đó, rà soát lại tất cả công việc để có thể tính tổng chi phí cho việc ra đời một bộ sách. Tuy nhiên, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, đây chưa phải là giá thành một bộ sách giáo khoa, bởi điều này phụ thuộc vào yếu tố thị trường.
“Nếu chúng ta cho ra một bộ sách giáo khoa nhưng số lượng người học đông, khiến lượng sách in tăng lên. Khi đó, giá thành sẽ rẻ. Còn một lần in mà số lượng sách ít thì giá thành sẽ cao”, GS.TS Hoàng Văn Cường dẫn giải.
Vì thế, cần đánh giá thị trường của mỗi loại sách; từ đó mới xác định được quy mô xuất bản. Đây là căn cứ để tính chi phí giá thành cho từng cuốn sách giáo khoa. Theo Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, hiện có nhiều bộ sách giáo khoa với giá thành khác nhau. Những cuốn sách in trên giấy thường giá thấp; còn in màu trên giấy đẹp, giá thành sẽ cao hơn… Do đó, nên xét đến nhu cầu, khả năng thanh toán của người học mỗi vùng miền.
GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, cần những bộ sách giáo khoa có giá thành tốt, mức phổ thông, phù hợp và thống nhất với nhu cầu của đa số học sinh… Từ đánh giá thị trường, kết hợp với giá thành sản xuất, chúng ta sẽ lên được khung chi phí cho từng loại sách giáo khoa ở từng cấp độ chất lượng…
“Sách giáo khoa là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, không thể chạy theo mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận. Tất nhiên, vẫn cần xác định mức lợi nhuận phù hợp của nhà sản xuất. Muốn vậy, cần căn cứ vào khung giá đã tính toán như phân tích ở trên…”, GS.TS Hoàng Văn Cường trao đổi.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và trách nhiệm xã hội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xác định, hỗ trợ giáo viên, học sinh, phụ huynh, bảo đảm an sinh xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu.
Với sách giáo khoa đã xuất bản các năm trước theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11), giá của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.
Những bản đang lưu kho, đã in giá cũ khác với giá mới, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện dán tem giá mới trên bìa của sách để giáo viên, học sinh và phụ huynh dễ dàng nhận biết, không nhầm lẫn. “Đây là nỗ lực lớn của toàn hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng”, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng bày tỏ.
Đối với sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 - lần đầu áp dụng trong năm 2024, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho hay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng và hoàn thành việc kê khai giá theo cơ cấu giá.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết: Để thông tin rộng rãi, đầy đủ, bảo đảm quyền lợi người sử dụng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ công bố giá sách giáo khoa trên các phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đồng thời niêm yết giá tại tất cả điểm bán sách giáo khoa trên toàn quốc.