'Giảm nhiệt' học phí

Hải Minh | 11/11/2022, 11:37
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Học phí là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm của đại biểu Quốc hội khi mà năm học này có nơi miễn 100% nhưng có nơi tăng từ 3 - 5 lần.

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 6/2022, vấn đề học phí đã làm “nóng” nghị trường. Hầu hết đại biểu đều kiến nghị tạm hoãn tăng học phí trong năm học 2022 - 2023. Đây cũng là tâm nguyện của cử tri cả nước khi đại dịch Covid-19 đã để lại “di chứng” nặng nề về kinh tế cho các gia đình.

Ngay tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dù sức “nóng” của học phí đã “giảm nhiệt” nhưng vấn đề này vẫn được các đại biểu quan tâm và tiếp tục kiến nghị tạm hoãn tăng học phí. Vẫn biết, Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 10/2021 nhưng sau hơn 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, điều kiện, đời sống người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc tăng học phí vô hình trung sẽ “làm khó” cho phụ huynh và người học.

Thực tế, ngay trong mùa tuyển sinh năm nay, khi biết cơ sở giáo dục đại học tăng học phí, nhiều thí sinh phải chấp nhận từ chối xác nhận nhập học, dù đó là ngành học và trường mình yêu thích. Các em lo lắng bố mẹ sẽ không “gánh” nổi bởi nhiều khoản có thể sẽ “bội chi” trong chặng đường 4 năm đại học của mình.

Từ thực tế nêu trên, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc thời điểm tăng học phí và sớm có chỉ đạo thống nhất trên cả nước. Tạm hoãn tăng học phí thời điểm này, giảm bớt khó khăn cho người dân, tạo điều kiện cho học sinh đến trường.

Mới đây, Bộ GD&ĐT có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số thông tin thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo; trong đó có điều chỉnh học phí năm học 2022 - 2023. Theo nội dung báo cáo, do dịch vụ giáo dục ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nếu thực hiện lộ trình tính đủ chi phí vào năm 2021 thì mức học phí tăng cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định giữ ổn định mức học phí của năm học 2021 - 2022, không tăng so với năm học 2020 - 2021 để chia sẻ khó khăn với người dân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Từ năm học 2022 - 2023, mức tăng học phí hằng năm phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể khoảng 7,5%/năm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và 12,5%/năm đối với giáo dục đại học công lập. Mức tăng này cao hơn lộ trình học phí giai đoạn 2016 - 2020 quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP là 2,5%/năm để bù đắp tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng.

Theo lộ trình học phí tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí giáo dục đại học công lập, đến năm 2030 tính đủ chi phí giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập. Riêng với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng mức trần học phí gấp 2 hoặc 2,5 lần đơn vị chưa tự bảo đảm chi thường xuyên nên cơ bản đã bù đắp được chi phí theo yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Bộ GD&ĐT đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, đánh giá tác động của việc tăng học phí tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, đề xuất chính sách học phí năm học 2022 - 2023 phù hợp, ưu tiên kiểm soát lạm phát.

Tin rằng, những vấn đề nêu trên sẽ được Quốc hội, Chính phủ quan tâm và giải quyết thấu đáo.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan
Hà Nội yêu cầu trường tư thục công khai học phí và các khoản thu của cả năm học
Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu tất cả các trường tư thục phải công khai mức học phí và các khoản thu của cả năm học tại địa điểm tuyển sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Giảm nhiệt' học phí