Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Bắc Kạn

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiều 16/2, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn làm việc với UBND tỉnh, giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Trưởng đoàn giám sát là ông Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy. Cùng tham dự buổi giám sát có Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.

Ổn định nền nếp dạy học theo chương trình mới

Là một trong những địa bàn khó khăn nhất cả nước, Bắc Kạn gồm 7 dân tộc chủ yếu, trong đó trên 86% là người dân tộc thiểu số.

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị và triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình.

Trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông được ban hành tương đối đầy đủ, từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.

Khẳng định thực hiện Chương trình GDPT 2018 là hướng đi đúng đắn, xu thế tất yếu, trong những năm qua tỉnh Bắc Kạn đã bố trí các nguồn lực để triển khai thực hiện theo lộ trình.

Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Bắc Kạn ảnh 1

Toàn cảnh buổi làm việc.

Qua thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10, bước đầu cho thấy Chương trình bảo đảm tính khoa học, khả thi. Khung chương trình cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT… Nội dung SGK được lựa chọn cơ bản có ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp, bảo đảm tính mở, có thể triển khai phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện dạy học hiện tại của cơ sở giáo dục tại địa phương.

Ông Phạm Duy Hưng

Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình GDPT 2018 luôn kịp thời, sát sao, quyết liệt. Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai được thực hiện nghiêm túc, cơ bản đảm bảo đúng kế hoạch lộ trình và yêu cầu, không để xảy ra dư luận xấu và bức xúc trong nhân dân.

Việc tổ chức dạy và học trong các nhà trường đáp ứng yêu cầu. Giáo viên từng bước áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nền nếp dạy học theo chương trình mới đã ổn định, tạo được sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh, không chỉ ở vùng thuận lợi mà còn thấy rõ sự tiến bộ của học sinh ở vùng còn khó khăn. Nhiều học sinh đã tích cực, chủ động tham gia các giờ học. Các hoạt động giáo dục và đạt kết quả tốt, chất lượng giáo dục đảm bảo mục tiêu đề ra.

UBND tỉnh nhận định: Việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 trong hơn hai năm qua đối với các lớp theo lộ trình đã cơ bản đi vào nề nếp. Giáo viên đã thực hiện tốt việc tự chủ chương trình, khai thác có hiệu quả sách giáo khoa, nguồn học liệu và các thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Học sinh hoàn thành tốt các mục tiêu cần đạt theo quy định của chương trình, phát huy được các phẩm chất, năng lực trong quá trình học tập”.

Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Bắc Kạn ảnh 2

Ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn báo cáo về việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Về điều kiện triển khai, năm học 2020-2021, 2021-2022, theo ông Phạm Duy Hưng, UBND tỉnh, ngành GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả việc đảm bảo đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Chuẩn bị cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10 thực hiện theo Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2022- 2023, UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ để đảm bảo thực hiện chương trình.

Năm 2022, UBND tỉnh đã tách số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp và bổ sung 411 người cho các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT.

Cơ sở vật chất các nhà trường tiếp tục được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con, em đồng bào các dân tộc.

Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Bắc Kạn ảnh 3

Thành viên đoàn giám sát trao đổi tại buổi làm việc.

Tuy nhiên, hiện nay ngành GD&ĐT Bắc Kạn vẫn còn gặp một số khó khăn về đội ngũ như thiếu về số lượng, chưa đồng bộ về cơ cấu, chủng loại theo từng môn học, cấp học. Đặc biệt là cấp tiểu học thiếu giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ, Tiếng Anh đối với lớp 3.

Việc giảng dạy đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật vẫn do giáo viên của từng phân môn cùng đảm nhiệm thực hiện. Việc bố trí giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học còn khó khăn do không có giáo viên đủ điều kiện về trình độ đào tạo - tốt nghiệp đại học - theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Các trường có nhiều điểm trường và các điểm lẻ cách xa nhau cũng khó khăn cho công tác bố trí giáo viên dạy học hai môn này.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục, nhất là thiết bị dạy học môn Tiếng Anh và Tin học lớp 3.

Công tác dạy và học theo Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6 trong các cơ sở giáo dục có khó khăn nhất định. Một số giáo viên còn lúng túng trong việc thực hiện chương trình mới, chưa mạnh dạn tự chủ trong dạy học. Việc vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học chưa thực sự thuần thục nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 6 trên địa bàn. Tiến độ biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bắc Kạn còn chậm…

Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Bắc Kạn ảnh 4

Bà Trịnh Hoài Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại buổi làm việc.

Giải pháp khắc phục khó khăn căn cơ, quyết liệt hơn

Qua thực tế giám sát, các thành viên trong đoàn đã nhấn mạnh những khó khăn tại các đơn vị trường học khi triển khai Chương trình GDPT 2018 và yêu cầu làm rõ thêm, cũng như giải pháp khắc phục. Trong đó tập trung vào điều kiện triển khai như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; SGK và tài liệu giáo dục địa phương…

Đánh giá của đại biểu Đồng Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Cho đến thời điểm này, hoạt động dạy học bắt đầu đi vào nền nếp. Giáo viên đã chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình. Học sinh cũng dần tiếp cận được với chương trình mới.

Tuy nhiên, có một bộ phận học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc còn tự ti, rụt rè nên tham gia hoạt động trong lớp học còn hạn chế. Nếu không có giải pháp để đưa nhóm học sinh này vào quỹ đạo hoạt động chung của lớp, các em sẽ bị tụt hậu so với các bạn. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho giáo dục miền núi khi triển khai chương trình.

Bà Đồng Thị Vân Thoa cũng chia sẻ những khó khăn của giáo dục Bắc Kạn khi triển khai chương trình mới như thiếu về đội ngũ và cơ sở vật chất. Từ đó đề nghị việc tuyển dụng giáo viên cần xem xét kịp thời hơn; có giải pháp thu hút giáo viên; quan tâm tập huấn, bồi dưỡng để thầy cô triển khai tốt được chương trình mới… Thúc đẩy việc mua sắm thiết bị dạy học và phải có đầu tư phù hợp về phòng học bộ môn. Với SGK, bà Đồng Thị Vân Thoa nêu giải pháp xây dựng tủ sách dùng chung trong các nhà trường; cấp chi phí học tập đầu năm học để gia đình thuận lợi trang bị phương tiện học tập cho học sinh…

Nhận định mục tiêu chương trình đã rất đúng, rất trúng, nhưng ông Nguyễn Xuân Mạnh - thành viên đoàn giám sát - băn khoăn khó khăn trong điều kiện triển khai (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất) sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Từ đó đặt vấn đề năm học 2023-2023 cần có giải pháp căn cơ, quyết liệt hơn nữa - không cắt giảm biên chế giáo dục để có thể bố trí đủ giáo viên, nhanh chóng trang bị đồ dùng dạy học cho các trường học bằng kinh phí đã được cấp để đáp ứng phần nào yêu cầu…

Cùng đoàn giám sát, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các thành viên trong đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng nêu các câu hỏi liên quan đến nhận thức, thái độ của cán bộ quản lý, giáo viên với đổi mới giáo dục phổ thông; công tác "phụ huynh vận"; ngân sách địa phương cấp cho giáo dục; mức độ phân hóa đối với cả giáo viên và học sinh sau một thời gian triển khai chương trình; xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường; lựa chọn, sử dụng SGK…

Trước các vấn đề đoàn giám sát, Bộ GD&ĐT đặt ra, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định sự vào cuộc quyết liệt trong triển khai Chương trình GDPT 2018 của tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Việc tuyên truyền về chương trình mới được thực hiện sâu rộng đến đông đảo nhân dân, phụ huynh, giáo viên, học sinh… nên sự đồng thuận trong triển khai thực hiện khá tốt; triển khai thực hiện chương trình không có vướng mắc.

Bà Nông Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Kạn thông tin: Kinh phí bố trí cho giáo dục, nếu tính trong tổng chi cân đối ngân sách vào khoảng 33%. Năm 2022, tỉnh đã bố trí 2 lần kinh phí cho trang thiết bị trường học. Dự kiến sẽ bố trí tiếp trong nguồn lực của tỉnh để đáp ứng cơ bản trang thiết bị cho đổi mới chương trình GDPT. Tuy nhiên, việc mua sắm gặp khó khăn, đặc biệt trong thẩm định giá và chọn nhà thầu. Cuối năm 2022, Sở Tài chính đã tham mưu phân cấp mạnh hơn nữa trong công tác này. Tới đây, Sở sẽ hướng dẫn các địa phương trong thẩm định giá, mua sắm và địa phương tổ chức triển khai thực hiện cho năm 2023.

Đại diện các cơ sở giáo dục tại buổi làm việc đã chia sẻ về việc triển khai chương trình mới tại nhà trường. Trong đó nhận định công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cơ bản thuận lợi, đáp ứng yêu cầu. Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường năm đầu có khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng sau đó đã dần ổn định, tốt hơn lên. Thực hiện lựa chọn SGK theo đúng quy định. SGK dù không hoàn toàn đồng nhất giữa bộ sách nhà trường đề xuất và UBND tỉnh phê duyệt ở một số đơn vị nhưng việc triển khai dạy theo SGK mới không có gì khó khăn. Tuy nhiên, các trường đều phản ánh, việc nghiên cứu để lựa chọn SGK từ bản PDF, theo đường link cũng dẫn đến những khó khăn nhất định...

Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Bắc Kạn ảnh 5
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại buổi làm việc.

Trong kịch bản chung, cần có lối đi riêng

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ sự cần thiết được tham gia làm việc cùng Đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội các địa phương. Những ý kiến được lắng nghe trực tiếp từ các địa phương sẽ hữu ích cho báo cáo của Bộ GD&ĐT với đoàn giám sát của Quốc hội, cũng như quá trình chỉ đạo triển khai Chương trình GDPT 2018.

Với cuộc làm việc này, Bộ trưởng nhìn nhận, đã cho thấy nhiều việc, nhiều khía cạnh của bức tranh giáo dục tỉnh Bắc Kạn. Báo cáo và những trao đổi tại buổi làm việc cho thấy những quan tâm sâu sắc của lãnh đạo địa phương. Những ý kiến trao đổi của Đoàn giám sát đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn mang lại nhiều thông tin sát thực về quá trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT trên địa bàn tỉnh.

Từ thực tế triển khai thời gian qua, Bộ trưởng “đặt hàng” Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn có một báo cáo giám sát không chỉ dừng lại ở mục đích gửi về Văn phòng Quốc hội mà còn là góc nhìn về giáo dục của một tỉnh khó khăn hàng đầu cả nước. Theo Bộ trưởng, trong làm chính sách sẽ chú ý tới nhóm ở giữa, nhóm này chiếm số đông, nhưng vẫn mở đường cho nhóm có điều kiện phát triển hết cỡ và hỗ được nhóm khó khăn.

“Mong rằng báo cáo của tỉnh Bắc Kạn sẽ đóng góp cho cái chung, không chỉ cho một tỉnh mà còn là của một nhóm. Qua đó thấy được những điểm cần tăng cường hỗ trợ, những điều chỉnh chính sách vĩ mô”. Bộ trưởng bày tỏ, đồng thời mong muốn tỉnh Bắc Kạn sẽ có báo cáo giám sát khách quan nhất, sát thực tế nhất, để có bức tranh đầy đủ, khách quan từ thực tế địa phương, bởi Chương trình GDPT 2018 đang triển khai không phải để đạt thành tích mà để đạt đến những chỉ số phát triển của giáo dục.

Bộ trưởng đề nghị bổ sung vào báo cáo đánh giá cụ thể về những việc làm được, những việc còn vướng mắc; bổ sung một phần đánh giá chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng, sự thấu hiểu về chương trình phổ thông; tăng cường đánh giá về chuyên môn của chương trình, việc đổi mới phương pháp dạy và học, tiếp nhận của học sinh… Đặc biệt, Bộ trưởng cho rằng, báo cáo cần dự báo, nhìn nhận khách quan được tác động vĩ mô của chương trình vào giáo dục của địa phương.

Một quan điểm được Bộ trưởng mong muốn sẽ có trong báo cáo giám sát, đó là nhìn nhận chương trình mới đổi mới rất sâu, tốc độ nhanh, đòi hỏi cao, tính kế thừa chương trình cũ rất lớn, nên trong quá trình triển khai không thể nóng vội, đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều. Những gì cấp bách đặt ra phải làm ngay, nhưng cũng có việc cần hoàn thiện từng bước.

“Trong khó khăn có thuận lợi, trong thuận lợi có khó khăn. Cần phân tích, đánh giá để thấy hết thuận lợi, khó khăn. Còn một nửa chặng đường phía trước, cần tính toán bước đi phù hợp với nhóm khó khăn, để đạt đến mục tiêu nhưng phù hợp với điều kiện của địa phương”, Bộ trưởng chia sẻ.

Cùng với mối quan tâm về báo cáo giám sát, tại buổi làm việc, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn lên tiếng mạnh mẽ về việc cắt giảm biên chế trong ngành Giáo dục, nếu có cắt giảm phải tính đến đặc thù của địa phương. Cùng với đó, phải có một kế hoạch về kiên cố hóa trường lớp học đến năm 2023 và triển khai ráo riết với lộ trình cụ thể từng năm, vì Bắc Kạn hiện vẫn là địa phương thuộc nhóm có tỷ lệ trường học kiên cố thấp nhất cả nước. Đặc biệt, cần có chiến lược xây dựng lực lượng giáo viên, hỗ trợ nhà giáo vì đây là nhân tố quyết định. “Giáo viên có đổi mới được thì mới có đổi mới. Giáo viên có hạnh phúc thì mới có trường học hạnh phúc”, Bộ trưởng chia sẻ.

Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Bắc Kạn ảnh 6

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận, cũng nhấn mạnh đến chất lượng báo cáo giám sát, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh đồng thời đề nghị UBND tỉnh và các sở/ngành trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 cần phải linh hoạt hơn nữa ở những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh, trên tinh thần bám sát chỉ đạo của Trung ương. Quá trình thực hiện có khảo sát, đánh giá sơ bộ để rút kinh nghiệm cho triển khai ở các lớp sau.

Ông Hoàng Duy Chinh đồng thời đưa ra những lưu ý để triển khai Chương trình GDPT 2018 tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tập trung hơn nữa cho công tác thông tin, truyền thông, để cấp ủy đảng, nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu, chia sẻ, ủng hộ, quyết tâm triển khai đổi mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Bắc Kạn