Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Hà Nội

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nét riêng của Hà Nội trong triển khai CT GDPT 2018 và nhận định bước đầu về triển khai chương trình được chia sẻ từ các CBQL, GV Thủ đô.

Thứ nhất là công tác truyền thông. Triển khai chương trình mới, Sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường THCS trong tư vấn học sinh, cha mẹ học sinh về chương trình mới. Do đó, ngay từ lớp 9, học sinh đã nắm được phần nào về chương trình để có tâm thế chuẩn bị tốt nhất.

Riêng với việc lựa chọn môn học, cô Nhiếp cho rằng cần truyền thông tích cực hơn nữa. Chia sẻ kinh nghiệm khi còn làm quản lý tại Trường THPT Yên Hòa, cô Nhiếp cho biết đã tổ chức truyền thông đến cha mẹ học sinh, học sinh về điểm mới của chương trình, cách chọn tổ hợp môn. Thực tế cho thấy, trường hợp nào cả phụ huynh và học sinh cùng đến, cùng được tư vấn thì các em lựa chọn tốt. Trường hợp chỉ cha mẹ đến và tự quyết định cho con thì có ý kiến học sinh muốn đổi nguyện vọng.

UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, các nhà trường tổ chức thực hiện lựa chọn SGK và phối hợp với các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn để tổ chức tập huấn về phương pháp giảng dạy, cách thức áp dụng nguồn tài nguyên trực tuyến và cách thức tổ chức hoạt động trong SGK… Các nhà trường đều được sử dụng đúng bộ SGK đã lựa chọn.

Thứ hai, từ đầu tháng 9, Sở GD&ĐT đã triển khai ngay 16 cụm và trực tiếp lãnh đạo Sở về các cụm để xem việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thế nào, có gì vướng mắc? Các cụm làm tốt sẽ lan tỏa kinh nghiệm, còn cụm chưa tốt tiếp tục học hỏi để hoàn thiện. Với cách làm này, trong tháng 9, các cụm trường đều đã hoàn thiện được kế hoạch giáo dục nhà trường.

Thứ ba là tổ chức các tiết dạy theo hướng nghiên cứu bài học theo công văn số 5512 của Bộ GD&ĐT. Các tiết dạy này không chỉ một trường mà kết nối để nhiều trường cùng góp ý, phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm.

“Sau 1 học kỳ, đây là 3 điểm mới giúp chúng tôi triển khai tốt Chương trình GDPT 2018”, cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Hà Nội ảnh 5

Cô Trần Thị Hải Yến, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm chia sẻ tại buổi làm việc.

Cô Trần Thị Hải Yến, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm thì chia sẻ những điểm mới trong quản trị nhà trường và cho rằng “nếu không thay đổi quản trị nhà trường sẽ rất khó thực hiện chương trình mới”.

Điểm mới đầu tiên là thay đổi cách phân công nhiệm vụ. Theo đó, nhà trường phân công trên tinh thần tự nguyện, xung phong của đội ngũ sau khi được nghiên cứu kỹ chương trình. Cách làm này phát huy được thế mạnh của từng thầy cô trong công việc.

Thứ nữa là tăng cường xã hội hóa hoạt động dạy học trong nhà trường. Trong đó có việc tận dụng tiềm năng từ cha mẹ học sinh là chuyên gia trong lĩnh vực phù hợp để đồng hành, hỗ trợ trong giảng dạy; đặc biệt với nội dung giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện linh hoạt trong sắp xếp thời khóa biểu. Nhà trường bố trí thời khóa biểu các môn học vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Chuyên đề học tập và nội dung giáo dục địa phương bố trí thời khóa biểu riêng, linh hoạt vào thứ 7, học sinh có thể di chuyển đến các lớp học theo nhu cầu.

Với việc xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm có 6 tổ hợp để học sinh lựa chọn. Trong số 780 học sinh, chỉ duy nhất 1 em muốn đổi tổ hợp. Với băn khoăn khác môn học sẽ khó chuyển trường, cô Trần Thị Hải Yến cho biết, nhà trường xử lý bằng cách: Những môn trùng, học sinh học bình thường tại lớp; môn còn lại sẽ di chuyển sang lớp thích hợp để học.

Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Hà Nội ảnh 6

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Chia sẻ về triển khai chương trình, SGK mới, đại diện Sở GD&ĐT, Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến cho rằng, một trong những điều nổi bật mà Hà Nội thực hiện tốt là rất quan tâm đến chuyên môn của đội ngũ, giải quyết triệt để các vướng mắc của giáo viên, nên công tác tập huấn được đặc biệt chú trọng.

“Chúng tôi có quan điểm, để triển khai tốt các môn học, quan trọng nhất giáo viên phải rõ, mọi khó khăn vướng mắc của giáo viên phải được tháo gỡ. Vì vậy, với các trường phổ thông, Sở GD&ĐT yêu cầu trong tháng 9 và 2 tuần đầu tháng 10 phải tổ chức xong chuyên đề ở các môn học. Trước đó, giáo viên nghiên cứu, có khó khăn thì gửi về Sở/phòng GD&ĐT và các chuyên viên có trách nhiệm nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia để trả lời. Do đó, hầu hết vướng mắc giáo viên gặp phải đều được giải quyết”.

Ông Phạm Xuân Tiến chia sẻ và đưa một ví dụ về việc giáo viên nắm chắc tinh thần đổi mới: Năm học 2020-2021, dư luận nói nhiều về sạn trong SGK tiếng Việt. Nhưng giáo viên Hà Nội không có ý kiến vì thầy cô đều hiểu hoàn toàn có quyền thay thế bằng các ngữ liệu khác phù hợp với học sinh, cốt sao đáp ứng đúng yêu cầu về chuẩn theo chương trình.

Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Hà Nội ảnh 7

Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu kết luận.

Tiếp tục quan tâm các điều kiện triển khai

Tại buổi giám sát, đại diện UBND TP. Hà Nội và các sở ngành liên quan đã chia sẻ, trao đổi làm rõ các vấn đề đoàn giám sát yêu cầu xung quanh việc triển khai Chương trình GDPT 2018.

Trong phát biểu kết luận, bà Phạm Thị Thanh Mai nhận định: Bước đầu có thể đánh giá thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện và khá kịp thời trong triển khai 2 nghị quyết quan trọng của Quốc hội. Thành phố cũng đã quan tâm, dành nguồn lực lớn cho GD-ĐT nói chung, cho thực hiện chương trình mới nói riêng.

Bà Phạm Thị Thanh Mai cũng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ, dù điều kiện thực hiện chưa bảo đảm đầy đủ, tối ưu nhất, một số trường còn thiếu trang thiết bị, một số lớp còn quá tải do di dân cơ học. Tuy vậy, thầy cô đã hết sức sáng tạo, cố gắng thực hiện tốt nhất trong điều kiện hiện có để đáp ứng yêu cầu bước đầu.

Trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị, thành phố cần tiếp tục tăng cường truyền thông, chủ động, kịp thời, đầy đủ chính xác nhất. Tiếp tục quan tâm rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục, sắp xếp, bố trí hợp lý để đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi về việc có đủ trường lớp theo chuẩn. Sử dụng hiệu quả nhất nguồn kinh phí đã bố trí. Điều này có trách nhiệm của địa phương và đơn vị được giao nhiệm vụ là hoàn thiện hồ sơ nhanh, chất lượng.

Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các sở để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với khối quận huyện, các trường. Xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể, chi tiết để cân đối nguồn lực, giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ...

Bên cạnh thuận lợi, triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Hà Nội cũng có những khó khăn. Một số khu đô thị không có trường học nên nhiều trường chịu áp lực tuyển sinh vì dân số cơ học tăng nhanh. Diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong quận trung tâm chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường học sĩ số học sinh/lớp còn cao. Huyện ngoại thành, một số cơ sở giáo dục nguồn lực tài chính hạn hẹp nên đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học, phòng học phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay quy định…

Về đội ngũ, còn thừa thiếu cục bộ, trong đó một số giáo viên đơn môn cấp THCS sẽ thừa, trong khi giáo viên môn Nghệ thuật ở THPT thiếu trầm trọng. Chương trình GDPT 2018 có Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm nhưng biên chế phân bổ chưa tính đến đội ngũ dạy những môn này, phải tận dụng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kiêm nhiệm… Cùng với đó là còn thách thức với đội ngũ dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí ở THCS…

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giam-sat-thuc-hien-doi-moi-chuong-trinh-sgk-tai-ha-noi-post625385.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giam-sat-thuc-hien-doi-moi-chuong-trinh-sgk-tai-ha-noi-post625385.html
Bài liên quan
Nhiều tài xế bị xử phạt sau khi CSGT trích xuất hình ảnh camera giám sát trên xe khách
Lực lượng CSGT Hà Nội kiểm tra, trích xuất camera giám sát trên xe khách và in hình ảnh vi phạm để tài xế xem lại khi lập biên bản xử phạt.

(1) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám sát thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại Hà Nội