“Sau ngày đất nước giải phóng, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng do địa hình núi non trùng điệp, đường ô tô không thể vào. Mùa khô, xe máy có thể di chuyển, nhưng mùa mưa đi lại rất khó. Điều kiện sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống. Bởi vậy, việc dạy học lại càng khó gấp bội phần, vì thế người lớn ở đây có mấy ai được học cái chữ Bác Hồ”, ông Y Wang tâm sự.
Cũng theo ông Y Wang, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm và lên kế hoạch tổ chức vận động bà con đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn. Nhưng bà con vẫn mong muốn ổn định cuộc sống tại đây.
“Hiện nay cả buôn có 54 hộ với 234 nhân khẩu. Trong đó 99% hộ nghèo và cận nghèo. Hầu hết người lớn không biết chữ. Trong buôn cũng không có nhà xây. Nhờ được quan tâm đầu tư, nên tình trạng “5 không” cơ bản đã xóa được. Hiện buôn có 2 điểm trường, nhà cộng đồng, điện lưới cũng được kéo đến tận nhà dân. Nhưng để duy trì dạy học và phát triển giáo dục rất cần sự hỗ trợ từ nhiều nguồn”, ông Y Wang nói thêm.
Cô Bích và cô Vân đi xin nước về vệ sinh đồ chơi cho trẻ. |
Vượt nắng gió gắn bó với đại ngàn
Trung tuần tháng 8/2022, chúng tôi theo chân các cô giáo của Trường Mầm non Hoa Hướng Dương vào buôn Lách Ló để chuẩn bị cho năm học mới. Để vào được buôn Lách Ló, cả đoàn phải vòng qua xã Ea R’Bin để “đi ké” trên con đường tuần tra của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka. Dù đã có đôi đoạn được đổ bê tông rộng khoảng 1m, thế nhưng, sau những cơn mưa như “cầm vò mà trút” ở Tây Nguyên, con đường trở nên hiểm trở vô cùng.
Đứng dậy sau cú ngã do trượt xe, cô H’Bích Du và Hoàng Thị Cẩm Vân vẫn đùa vui vì mình chưa bị lấm lem bùn đất như mấy cô chú đi buôn bên cạnh. “Áo mưa, dây xích là vật bất ly thân trên cung đường này. Với áo mưa, lúc trời nắng thì để che bụi, trời mưa mặc cho khỏi ướt người, ướt tài liệu và tư trang. Còn dây xích chó để quấn vào bánh xe lúc đường trơn trượt. Ngoài ra, chúng tôi còn tranh thủ mang thêm bánh kẹo, sữa để làm quà động viên các em. Khi trẻ không chịu đến lớp, giáo viên chia nhau, cô thì giữ trẻ, cô đến nhà, thậm chí đến rẫy để cho kẹo, sữa thì các em mới chịu đi học”, cô Vân tâm sự.
Vượt hơn 20km từ trung tâm xã Nam Ka, trong đó khoảng 10km đường rừng quanh co, qua nhiều con suối, đoàn cũng đến điểm trường buôn Lách Ló. Dù còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng khuôn viên điểm trường vẫn sạch sẽ, gọn gàng. Từng hàng gạch được xếp nghiêng tạo lối đi từ phòng học đến sân chơi và nhà ở giáo viên.
Tất cả điều đó, là nhờ sự chung tay, góp sức của các giáo viên và phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương nơi đây. “Ở đây, rất khó vận chuyển vật liệu để xây dựng, cả buôn không có nhà nào xây kiên cố. Các cô cùng chúng tôi xếp gạch, tạo khuôn viên vừa đẹp, vừa để các cháu có lối đi và đỡ dính bùn đất khi vào trong lớp. Lúc đó, các cô phải đi xin nước ở xa về lau chùi”, anh Ma Khiếu - Công an viên buôn Lách Ló cho biết.
Sống xa nhà, khó khăn trăm bề và đặc biệt là trong điều kiện thiếu thông tin liên lạc và giải trí, nhưng giáo viên “gieo chữ” ở buôn Lách Ló vẫn rất lạc quan, yêu đời. Với các cô, nụ cười của học sinh chính là niềm vui của mình. “Công tác ở đây tuy còn gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi có nhiều kỷ niệm không thể nào quên. Từ con đường đến trường hay những buổi lên rẫy để “dụ” học sinh ra lớp, những buổi sinh nhật cho các em hay bữa cơm chiều với rau ráng ở vùng đất xa xôi, cách trở... Đó chính là động lực để tất cả cố gắng hơn nữa trong công việc và cuộc sống”, cô Vân và cô H’Bích tâm sự.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô Trần Thị Tố Loan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hướng Dương - cho biết: Năm học 2022 - 2023, lớp mầm non ở điểm Lách Ló đón 24 trẻ ở 3 độ tuổi (từ 3 - 5 tuổi). Sau khi chuẩn bị xong các điều kiện cho năm học mới, nhà trường sẽ điều động cô Vân và cô Bích về điểm chính theo chu kỳ luân phiên.
Điểm trường có khu vệ sinh và đường ống dẫn nước đầy đủ, nhưng lại chưa có nguồn nước để sử dụng. Hàng ngày, các cô giáo phải ra suối các trường gần 1km hoặc đến nhà dân để xin nước về dùng và lau dọn vệ sinh phòng học cho các cháu. “Ở đây, chúng tôi quen với việc không có Internet, còn sóng điện thoại cũng chập chờn. Muốn nghe, gọi cho người thân hay đồng nghiệp, điện thoại phải để cố định một chỗ. Nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là nước sinh hoạt và vệ sinh phòng học, đồ chơi cho các em học sinh”, cô Vân kể.