Việc chuyển sang đào tạo bằng tiếng Anh tiếp tục giúp các quốc gia này nâng số lượng lưu học sinh, từ đó thúc đẩy GDP và xây dựng xã hội bình đẳng, kết nối.
Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục cho rằng, sau dịch Covid-19, sinh viên quốc tế có xu hướng chọn điểm đến du học gần với quê hương. Hiện nay, hầu hết sinh viên quốc tế đến từ châu Á nên các trường đại học châu Á sẽ được hưởng lợi từ xu thế này.
Ông van Rest nhận định: “Trong những năm qua, Đông Nam Á dần trở thành trung tâm giáo dục đại học quan trọng. Điều này không chỉ được phản ánh qua danh sách chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tăng, mà còn từ sự quan tâm của sinh viên đối với các chương trình cử nhân, thạc sĩ, nhất là tại Singapore, Malaysia và Indonesia”.
Xu hướng trên không giống với châu Âu, nơi việc giảng dạy bằng tiếng Anh thường chỉ dành cho chương trình sau đại học.
Nhận định “không thể đánh giá thấp triển vọng phát triển giáo dục đại học tại Đông Nam Á”, nhưng ông Marty Natalegawa, cựu Ngoại trưởng Indonesia, cũng cho rằng tính quốc tế hóa trong giáo dục đại học Đông Nam Á chưa đồng đều.
Đông Nam Á là một khu vực có tính đa dạng, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Anh là ngôn ngữ chung trong khu vực nhưng thường chỉ sử dụng rộng rãi tại Singapore, Malaysia, Philippines... Vì vậy, nhiều quốc gia khác trong khu vực chưa thể đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục.
Theo The Pie, THE