Giáo dục

Giảng viên nữ chuyển sang làm... giúp việc

09/05/2024 08:05

Hàng nghìn giảng viên nữ người Afghanistan bị mất việc, buộc phải làm giúp việc để kiếm sống.

Việc Taliban trở lại nắm quyền đã đảo ngược nỗ lực nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ Afghanistan có việc làm và thu nhập ổn định.

Shakila là giảng viên một trường đại học tư thục ở Karta-e-Naw trong nhiều năm trước khi Taliban lên nắm quyền Afghanistan và đóng cửa trường học dành cho nữ, không cho phụ nữ đi học đại học. Điều này làm đảo lộn cuộc sống của cô.

“Tôi từng được xã hội tôn trọng, thu nhập ít ỏi nhưng ổn định và trên hết là hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, các con và học sinh của mình”, Shakila nói.

Shakila đã nộp đơn xin việc ở nhiều nơi khác nhưng đều bị từ chối. Chính quyền Taliban đã cấm phụ nữ tham gia vào hầu hết công việc, nhất là trong lĩnh vực công. Sau nhiều tháng nhàn rỗi ở nhà, cô quyết định làm giúp việc trong xóm từ dọn dẹp nhà cửa, rửa bát... để trang trải cuộc sống.

Nhiều nữ giảng viên rơi vào hoàn cảnh tương tự Shakila và cũng không thể tìm được công việc phù hợp. Vì vậy, họ chuyển sang làm giúp việc thuê cho các gia đình giàu có.

Tuy nhiên, số khác kiếm sống bằng việc dạy thêm cho học sinh tiểu học tại nhà với đồng lương ít ỏi. Marzia Ahmadzai đã giảng dạy tại một trường đại học tư thục trong hơn 3 năm trước khi phải ở nhà vì lệnh cấm của Taliban.

Trong thời gian ở nhà, một số nữ sinh trong khu phố nhờ Marzia dạy kèm nên cô quyết định mở lớp học nhỏ tại nhà. Đôi khi cha mẹ của học sinh trả cho cô một khoản phí nhỏ, đôi khi không. Marzia không nài nỉ vì hiểu rằng ai cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Dù vậy, không phải lớp học lúc nào cũng hoạt động thoải mái. Nhiều mô hình tương tự lớp học của Marzia phải hoạt động trong bí mật vì lo ngại chính quyền phát hiện và dẹp bỏ. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản khát khao tìm đến con chữ của nữ sinh Afghanistan.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cảnh báo ngành Giáo dục Afghanistan đang chịu thiệt hại không thể khắc phục do trẻ em gái và phụ nữ không được đi học. Về lâu dài, nó sẽ gây tổn hại lên tương lai của Afghanistan nói chung và nền kinh tế nói riêng.

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nền kinh tế Afghanistan đã sụt giảm 27% kể từ khi Taliban tiếp quản vào năm 2021. Dù phụ nữ có thể làm việc không hạn chế trong các lĩnh vực như y tế hoặc điều dưỡng, tỷ lệ việc làm của họ trong khu vực công đã giảm xuống còn khoảng 6%.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ hộ gia đình không có đủ thu nhập để đáp ứng nhu cầu lương thực cơ bản đã tăng hơn gấp đôi từ 16% lên 36% trong 2 năm Taliban nắm quyền. Nhìn chung, tình hình kinh tế Afghanistan ngày càng ảm đạm, trong đó, phụ nữ hầu như không thể đóng góp cho nền kinh tế.

Lệnh cấm nữ sinh không được đến trường và phụ nữ không được đi học đại học bắt đầu từ ngày 22/12/2022. Theo ước tính của Liên minh các trường đại học công lập và tư thục Afghanistan hồi năm 2023, hơn 30 trường đại học và cơ sở giáo dục tư nhân có khả năng ngừng hoạt động do vấn đề tài chính. Đặc biệt, các trường tư thục sẽ đóng cửa nếu Taliban không thay đổi quan điểm về giáo dục nữ giới.

Theo TG

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảng viên nữ chuyển sang làm... giúp việc