Nguyễn Đăng Khoa, một trong hai thực tập sinh đầu tiên ở Việt Nam của Boeing, đỗ học bổng toàn phần ngành Kỹ thuật Hàng không của Đại học Virginia Tech, Mỹ.
Đăng Khoa nhận thư mời nhập học hồi đầu tháng 3, bốn tháng sau khi tốt nghiệp loại giỏi ngành Kỹ thuật Hàng không (dạy bằng tiếng Anh) của Trường Đại học Bách khoa TP HCM.
Theo US News, Virginia Tech xếp thứ 11 trong các trường đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không bậc cao học tốt nhất Mỹ. Học bổng cho Khoa trị giá hơn 335.000 USD (trên 8,6 tỷ đồng), cho 5 năm.
"Kết quả này đã biến ước mơ học lên cao và du học Mỹ của tôi thành sự thật. Mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng", anh nói.
Khoa là một trong hai người được chọn trong lần đầu tiên Boeing đến Việt Nam tuyển thực tập sinh, năm 2023. Anh cho hay đây là bước ngoặt, bởi ban đầu không có ý định du học.
Hai tháng trải nghiệm thực tế tại văn phòng ở Hà Nội và một tháng làm việc với các kỹ sư tại Mỹ khiến Khoa nhận ra bản thân phù hợp với môi trường làm việc quốc tế. Khoa cũng muốn được học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn tại nơi có các chương trình đào tạo ngành hàng không hàng đầu thế giới.
Anh cho biết muốn lên thẳng bậc tiến sĩ vì học bổng toàn phần bậc thạc sĩ thường hiếm hơn. Hơn nữa, Khoa cũng tự tin với hồ sơ chuyên môn và kinh nghiệm thực tập, nghiên cứu.
Tháng 8/2024, anh được chọn vào chương trình học bổng VEF 2.0, hỗ trợ người trẻ Việt đến Mỹ học sau đại học. VEF 2.0 do các cựu sinh, học giả, nghiên cứu sinh chương trình học bổng Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) thành lập. Tại đây, Khoa được các anh chị đi trước hướng dẫn chọn trường, chọn giáo sư, viết luận, chỉnh sửa hồ sơ... Bốn tháng sau đó, anh ứng tuyển hơn chục trường tại Mỹ.
Khoa cho biết hồ sơ của Virginia Tech yêu cầu bảng điểm, sơ yếu lý lịch, bài luận thể hiện mục đích học tập (SOP) và đề xuất nghiên cứu. Trong SOP, Khoa tập trung nói về kinh nghiệm chuyên môn thông qua các dự án, nghiên cứu, đồ án tốt nghiệp và kỳ thực tập ở Boeing.
Với anh, trải nghiệm ở hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là đáng quý. Khi sang Mỹ, Khoa được phân vào bộ phận bảo dưỡng kỹ thuật về máy bay, với nhiệm vụ lên kế hoạch quy trình bảo dưỡng. Bộ phận này cũng phụ trách khâu giấy tờ bảo dưỡng hàng không nên anh được tiếp xúc với nhiều thủ tục, luật lệ; được tham gia họp với đối tác, Cục Hàng không Mỹ.
"Tôi được mở mang và tiếp cận với góc nhìn của các chuyên gia", Khoa kể. "Trải nghiệm giúp tôi học cách làm việc nhóm và quản lý công việc một cách hiệu quả".
Khoa thuận lợi còn nhờ có nền tảng tiếng Anh tốt do thường xuyên đọc tài liệu chuyên ngành. Trước khi sang Mỹ, anh đã đạt IELTS 7.0.
Về kinh nghiệm nghiên cứu, Khoa từng chủ nhiệm nhiều đề tài liên quan thiết bị bay không người lái, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xe robot giao hàng tự hành. Anh cũng là thành viên nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm trọng điểm của trường và tham gia nhiều cuộc thi học thuật trong, ngoài nước.
Đồ án tốt nghiệp của Khoa về sử dụng máy bay không người lái nhằm hỗ trợ phát hiện sớm các điểm dịch sốt xuất huyết đạt điểm tuyệt đối. Máy bay có nhiệm vụ chụp ảnh những khu vực có nhiều ao, hồ, chậu chứa nước đọng, những nơi thuận lợi cho muỗi sinh sôi. Sau đó, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phân tích hình ảnh thu thập được, nhận diện các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao.
Sản phẩm được Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức ứng dụng. Khi trình bày tại một hội thảo về ứng dụng hàng không tại Malaysia, Khoa và nhóm giành giải Thuyết trình xuất sắc.
Ngoài ra, anh tham gia nhiều chương trình trao đổi, giành học bổng suốt 4 năm của trường và nhiều tổ chức khác.
Khoa nhìn nhận những hoạt động và trải nghiệm này cho thấy anh là người thực sự đam mê với ngành học và có định hướng rõ ràng. Anh làm tiến sĩ ngành này vì muốn đào sâu hơn về cả lý thuyết và ứng dụng những gì đã được học.
"Mục tiêu của tôi không chỉ là nâng cao chuyên môn mà còn đóng góp vào việc phát triển các giải pháp thực tiễn và bền vững trong lĩnh vực hàng không tương lai, qua đó thúc đẩy tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ xã hội", Khoa nói.
Khoảng một tháng sau, giáo sư hướng dẫn gửi thư cho Khoa, mời gặp để trao đổi kỹ hơn.
"Ông ấy nói trong bể hồ sơ ứng viên tiến sĩ, ông ấn tượng với tôi vì kết quả học tập và kinh nghiệm. Hướng nghiên cứu về máy bay không người lái phù hợp với định hướng nghiên cứu của ông", Khoa cho hay.
Để nhận được học bổng của trường, anh trải qua ba vòng phỏng vấn với giáo sư này. Trong đó, ở lần gặp thứ hai, ông yêu cầu Khoa tổng hợp tài liệu, sau đó phân tích và xác định những khoảng trống trong nghiên cứu hiện nay về máy bay không người lái.
"Điều này nhằm kiểm tra kỹ năng nghiên cứu và chắc chắn rằng tôi đủ khả năng để theo được chương trình. Tôi chỉ có ba tuần để hoàn thành", Khoa nói, cho biết ban ngày đi làm ở công ty, tối tranh thủ tìm kiếm tài liệu và thường phải thức đến 2-3h.
TS Lê Thị Hồng Hiếu, giáo viên chủ nhiệm của Khoa, đánh giá học trò là ứng viên nổi trội và xuất sắc.
"Việc từ đại học được tuyển thẳng vào chương trình nghiên cứu sinh của một trường chuyên đào tạo hàng không như Virginia Tech là hiếm", cô Hiếu cho hay.
Theo cô, Khoa nổi tiếng trên các trang thông tin vinh danh của trường. Anh có kiến thức chuyên môn đa dạng, ngoại ngữ tốt và luôn chủ động hòa nhập, tìm kiếm cơ hội hoàn thiện bản thân.
Khoảng đầu tháng 8, Khoa sẽ sang Mỹ. Anh dự định vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy hoặc làm việc cho các tập đoàn sau khi tốt nghiệp.