Cần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục cảm xúc như một năng lực chung
Dưới góc nhìn chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) khẳng định: Giáo dục cảm xúc có vai trò quan trọng trong giáo dục nhà trường, nhằm mục tiêu phát triển toàn diện nhân cách của HS. Trẻ em cần được phát triển hài hòa không chỉ về thể chất, trí tuệ mà cả về cảm xúc, tâm hồn. Cảm xúc là năng lực cần được phát triển bên cạnh các năng lực chung khác và năng lực đặc thù chuyên môn. Năng lực cảm xúc được hiểu là khả năng ứng xử phù hợp với cảm xúc riêng của cá nhân cũng như cảm xúc của người khác. Những kỹ năng nền tảng của năng lực cảm xúc bao gồm: Khả năng biểu đạt cảm xúc; khả năng nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của mình và của người khác; khả năng đồng cảm và tự điều chỉnh cảm xúc. Năng lực cảm xúc do đó liên quan trực tiếp với khả năng tự chủ, giao tiếp. Phát triển năng lực cảm xúc gắn liền với phát triển năng lực xã hội, đặc biệt là giao tiếp.
Lấy ví dụ tại CHLB Đức, TS Nguyễn Văn Cường cho biết: Ngay từ những lớp đầu của bậc tiểu học, trọng tâm nhiệm vụ giáo dục cảm xúc cho HS là phát triển hình ảnh bản thân khác biệt; phát triển các trải nghiệm có tác động đến bản thân; khả năng điều chỉnh cảm xúc (giải quyết vấn đề, quản trị căng thẳng); hình thành cá tính; hình thành và duy trì các mối quan hệ tích cực; hình thành sự can đảm và đạo đức. HS được hiểu về nguyên nhân của cảm xúc, các dấu hiệu của cảm xúc, trải nghiệm nhiều cảm xúc xảy ra đồng thời, cách biểu lộ cảm xúc theo các quy tắc được xã hội chấp nhận chung; khả năng sử dụng cụ thể các biểu hiện cảm xúc trong giao tiếp với người khác, việc áp dụng các chiến lược điều chỉnh cảm xúc.
Trong thực tiễn giáo dục Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Văn Cường nhận định: Nhà trường phổ thông và các GV bộ môn tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ truyền thụ kiến thức chuyên môn của môn học, chưa chú ý đầy đủ đến giáo dục cảm xúc; cũng như còn thiếu các hoạt động chẩn đoán, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, cảm xúc cho HS. Áp lực học tập của HS ở nhà trường, gia đình nhìn chung là cao, một phần do quan điểm giáo dục chạy theo thành tích. Áp lực học tập cũng như sự mất kết nối, thiếu sự đồng cảm giữa GV và HS, cha mẹ và con trong gia đình là một phần nguyên nhân dẫn đến những vấn đề tâm lý của một số HS. Đã có những phản ứng tiêu cực và trường hợp đau lòng.
“Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu giáo dục năng lực cảm xúc cho HS phần nào được xác định trong nhóm năng lực tự chủ và tự học. Trong đó bao gồm năng lực tự điều chỉnh tình cảm, thái độ, hành vi của mình, cũng như trong giao tiếp và hợp tác, bao gồm năng lực thiết lập, phát triển các quan hệ xã hội, điều chỉnh và hoá giải các mâu thuẫn. Nhà trường cần cụ thể hóa mục tiêu giáo dục cảm xúc như một năng lực chung, được thực hiện thông qua các môn học và hoạt động, chủ đề giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó, cần có các hoạt động chẩn đoán, tư vấn tâm lý để có thể phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời những HS có vấn đề về cảm xúc, tâm lý cần sự giúp đỡ” - TS Nguyễn Văn Cường cho hay.