Những người "thắp đuốc" sáng tạo cho trò

Quốc Ngữ - Đặng Bích | 06/04/2022, 13:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong giáo viên và học sinh đã phát triển nhiều năm qua, có vai trò quan trọng trong hoạt động giáo dục - đào tạo.

Thầy, trò Trường THCS Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) nghiên cứu hoàn thiện Mô hình máy làm ống hút từ cây sậy.Thầy, trò Trường THCS Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) nghiên cứu hoàn thiện Mô hình máy làm ống hút từ cây sậy.

Những đổi mới, sáng tạo còn được đưa vào giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy, học.

Cô, trò mang hình ảnh Cần Thơ vươn xa

Tại Hội thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc vừa được tổ chức, TP Cần Thơ có 5 sản phẩm đoạt giải (4 giải Ba và 1 giải Khuyến khích). Hai trong số những sản phẩm đoạt giải được đánh giá có tính ứng dụng cao là “Cần Thơ quê em” và “Ống hút làm từ sậy”.

Để có sản phẩm tham gia cuộc thi, cả học sinh và giáo viên hướng dẫn nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu để tìm những nét độc đáo riêng, đồng thời chuyển tải những nội dung đến người xem trên từng sản phẩm. Điển hình là sản phẩm “Cần Thơ quê em” của nhóm Lê Vân và Nguyễn Ngọc An An, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trần Hoàng Na (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), đoạt giải Ba vì có sự sáng tạo độc đáo.

“Cần Thơ quê em” gồm 4 bức tranh được vẽ rất chân thực và sinh động về cầu Cần Thơ, cầu đi bộ, chợ cổ và chợ nổi Cái Răng. Từ những chất liệu đơn giản như giấy cứng A4, khung tranh, bút chì, đèn led… qua sự khéo léo, cắt, sắp xếp nhiều bức tranh chồng lên nhau, tạo thành bức tranh nghệ thuật 3D phác họa một cách tinh tế những biểu tượng độc đáo của Cần Thơ.

Em Lê Vân chia sẻ: “Sau những chuyến đi chơi với gia đình, em chụp được một vài tấm ảnh đẹp. Về nhà, ngồi vào bàn học, em xem lại những tấm ảnh dưới bóng đèn, nhìn rất đẹp. Ý tưởng sản phẩm ra đời từ đó và em trao đổi với cô hướng dẫn để thực hiện”. Kể về công đoạn thực hiện sản phẩm, em Lê Vân cho biết, đầu tiên là phác thảo bức tranh ra giấy A4. Mỗi chiếc đèn cần 4 bức tranh tương ứng 4 tờ giấy A4 được xếp chồng lên nhau. Sau đó, lọc bỏ những phần giấy thừa và chỉnh lại phù hợp, rồi lắp đèn để vào khung tranh. Đây cũng là công đoạn khó nhất, vì phải lắp vào cẩn thận vừa vặn kích thước khung tranh.

Cô Nguyễn Ngọc Nhu, giáo viên hướng dẫn thực hiện sản phẩm, cho biết: “Tôi hỗ trợ các em khâu chỉnh sửa chi tiết cho bức tranh sinh động. Khi học sinh phác thảo xong bức tranh, tôi hướng dẫn các em phần nào nên lấy và phần nào nên bỏ, để người xem cảm nhận được hình ảnh danh lam thắng cảnh như thực tế”. Cô Nhu còn hỗ trợ khâu lắp đèn vào tranh để đảm bảo an toàn cho các em. Khi hoàn thành bức tranh, niềm vui của cô trò không chỉ là giải thưởng, mà qua tìm tòi sáng tạo, giúp các em có thêm kiến thức thực tế, hiểu biết về danh lam thắng cảnh cũng như rèn luyện sự tự tin, tính kiên nhẫn, kỹ năng vẽ môn Mỹ thuật.

Máy làm ống hút từ cây sậy.

Ống hút sinh thái của học trò miệt vườn

Mô hình máy làm ống hút từ cây sậy là sản phẩm của nhóm 2 học sinh: Nguyễn Thị Bảo Ngọc và Trần Quốc Toàn, dưới sự hướng dẫn của thầy Tiêu Vũ Phương, giáo viên Trường THCS Thới Xuân (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).

Sản phẩm này đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc, bởi tính mới và tự động hóa. Sản phẩm sử dụng công nghệ xử lý ảnh nhằm đảm bảo tính chính xác cao và tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, dồi dào từ thiên nhiên (sậy, đế, trúc...), rất thân thiện môi trường.

Máy làm ống hút từ cây sậy được vận hành trên nền tảng của máy CNC kết hợp công nghệ xử lý hình ảnh. Người sử dụng có thể điều khiển bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối Internet. Hệ thống hoạt động của máy sẽ xử lý cắt, ép sậy, lật khay chứa sậy… để tạo ống hút thay thế ống hút nhựa. Nguyễn Thị Bảo Ngọc, học sinh lớp 9, chia sẻ: “Nhu cầu sử dụng ống hút hiện nay rất cao, mà phần lớn là sử dụng ống hút bằng nhựa. Sau khi sử dụng, chúng sẽ trở thành rác thải khó phân hủy, ảnh hưởng đến môi trường. Sau những lần về quê, em thấy có rất nhiều sậy, đế, mọc tự nhiên mà lại ít khi được sử dụng. Từ đó, em nghĩ đến việc làm ống hút từ cây sậy thay cho việc sử dụng ống hút bằng nhựa như hiện nay”.

Từ ý tưởng trên, Bảo Ngọc đã chia sẻ với thầy Tiêu Vũ Phương và hợp tác cùng bạn học Trần Quốc Toàn để tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo sản phẩm. Nhóm tác giả cùng nghiên cứu, tìm hiểu, đặt mua thêm một số linh kiện thiết bị máy móc, thiết bị tự động hóa... để hoàn thiện sản phẩm. Đồng thời ứng dụng những kiến thức của môn học Vật lý, Công nghệ và sự hỗ trợ kỹ thuật của thầy cô Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ…

Thầy Tiêu Vũ Phương cho biết, tranh thủ những ngày nghỉ, thầy và trò đến Trường Đại học Cần Thơ để nghiên cứu, thực hiện sản phẩm. “Nhờ sự hỗ trợ của các thầy cô ở Trường Đại học Cần Thơ, Ban giám hiệu Trường THCS Thới Xuân cùng đồng nghiệp, nhất là sự chịu khó của học sinh, sản phẩm được hoàn thiện sau hơn 1 tháng thực hiện”, thầy Phương nói. Theo thầy Phương, sản phẩm này tuy chỉ dừng lại tính chất mô hình, chưa đưa ra thị trường tiêu thụ, nhưng đã giúp học sinh cọ xát thực tế cuộc sống. Quan trọng là truyền lửa đam mê nghiên cứu, sáng tạo, giúp ích rất nhiều cho các em học sinh trong học tập, rèn luyện.

Chia sẻ về việc nghiên cứu khoa học, em Nguyễn Thị Bảo Ngọc cho biết thêm: “Đây là lần đầu tiên em tham gia một hội thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh. Em rất vui và học nhiều điều từ thực tế cuộc sống. Kiến thức thực tế cũng giúp em học giỏi hơn ở các môn như Toán, Vật lý, Công nghệ… Sắp tới, em tiếp tục sắp xếp việc học phù hợp để tranh thủ tham gia nghiên cứu cùng các bạn”.
Bài liên quan
Học sinh tiểu học Hà thành hân hoan trong những tiết học sinh động ngày đầu trở lại trường
Hôm nay (6/4), học sinh tiểu học của Hà Nội trở lại trường với niềm vui hân hoan được gặp thầy cô, bạn bè sau thời gian dài học trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những người "thắp đuốc" sáng tạo cho trò