Giáo dục chính trị, văn hóa cho sinh viên: Lý thuyết định hướng hành động

03/01/2024, 10:34
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tình trạng suy thoái về đạo đức, văn hóa, lối sống và tư tưởng chính trị trong một bộ phận sinh viên gây ra những băn khoăn, lo lắng cho xã hội.

TS Hoàng Thùy Linh - giảng viên Bộ môn Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Đại học Văn Lang) cùng nhận định trên khi bàn luận cụ thể về thực trạng giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong trường đại học. Theo đó, với môn học này nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung, hầu hết giảng viên sử dụng phương pháp truyền thống, diễn giảng là chủ yếu. Giảng viên thuyết trình, độc thoại, nêu vấn đề; thầy giảng, trò ghi chép, thầy truyền đạt kiến thức, trò thụ động tiếp thu…

Người thầy lúc này đảm nhận cả ba chức năng: Làm ra sản phẩm, quản lý, điều chỉnh hoạt động. Do đó, người thầy chưa đánh thức được sự đam mê, khả năng tư duy của người học với nền lý thuyết khô khan, ít gắn với thực tiễn, chưa soi rọi vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Từ đó, sinh viên ít quan tâm đến môn học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.

Thêm vào đó, hiện nhiều sinh viên có quan điểm các môn lý luận chính trị là các môn học phụ, môn học “chính trị bắt buộc” nên mục đích học tập của sinh viên mang nặng tính thi cử, trả nợ môn học. Sinh viên chỉ cần “nói lại” những điều thầy đã nói, giáo trình ghi, học thuộc lòng, thi hết học phần, niên luận. Điều này khiến cho hiệu quả, chất lượng học tập của sinh viên thấp, khả năng nắm bắt kiến thức bài học không sâu, từ đó dẫn đến những nhận thức không đúng.

Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) trong một ngày hội việc làm, tháng 11/2023.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) trong một ngày hội việc làm, tháng 11/2023.

Đổi mới giáo dục văn hóa, chính trị

Trong tham luận “Góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, ThS Nguyễn Dạ Thu - giảng viên Lý luận chính trị (Trường Đại học Hoa Sen) nêu một số giải pháp và cách làm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị.

Theo đó, đầu mỗi học kỳ, tại buổi học đầu tiên của các môn học lý luận chính trị, giảng viên Trường Đại học Hoa Sen sẽ trao đổi, hướng dẫn rất kỹ về đề cương môn học và thống nhất cách học, cách triển khai môn học với tất cả sinh viên. Đồng thời, thầy cô sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên khi đến với môn học để thiết kế bài giảng cho sát hợp với sinh viên của từng lớp học.

Trên cơ sở đó, giảng viên sẽ giới thiệu các đề tài và gợi ý, hướng dẫn cho các sinh viên thành lập các nhóm, chọn đề tài mà mình yêu thích hoặc tâm đắc để thuyết trình theo kế hoạch của lớp học. Sau mỗi phần thuyết trình của các nhóm, giảng viên, các sinh viên còn lại sẽ có nhận xét, góp ý và thảo luận với nhóm để hoàn thiện bài thuyết trình và làm báo cáo nộp cho giảng viên chấm điểm.

Cuối mỗi buổi học, thường có các “mini game” liên quan các nội dung vừa được học hoặc thuyết trình trong buổi học, giúp sinh viên vui vẻ, nhẹ nhàng và tích cực tiếp thu bài học. Ngoài ra, ở mỗi học kỳ, giảng viên đều sẽ lên kế hoạch cho sinh viên đi tham quan học tập ngoại khóa tại các khu di tích, lịch sử, góp phần giúp các em có thêm trải nghiệm và hứng thú với môn học.

Cũng theo ThS Nguyễn Dạ Thu, các môn lý luận chính trị sẽ hấp dẫn hơn khi giảng viên sử dụng chủ động, linh hoạt hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại và phương pháp giảng dạy tích cực. Ví dụ, khi dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên ngoài tích cực hỏi đáp với sinh viên, có thể đưa hình ảnh, phim tư liệu, thơ văn, những câu chuyện đời thường của Bác Hồ vào trong bài giảng.

Đặc biệt, giảng về phần những phẩm chất đạo đức của Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, giảng viên có thể chiếu bộ phim tư liệu “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”... Làm tốt những điều này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa, chính trị cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập.

Ở khối cao đẳng, ThS Võ Long Triều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, để công tác chính trị, tư tưởng cho sinh viên được cụ thể hóa vào các hoạt động của các đơn vị, phòng, khoa, trung tâm và các tổ chức đoàn thể, nhà trường thành lập Ban Công tác Giáo dục Chính trị Tư tưởng.

Nhiệm vụ của ban là xây dựng kế hoạch, lịch hoạt động năm học, theo dõi, tổ chức các hoạt động tuyên truyền và các hoạt động chính trị của đất nước, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, thái độ sống tích cực cho toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường. Các buổi sinh hoạt chuyên đề, báo cáo thời sự cũng như bồi dưỡng chính trị hè được triển khai đều đặn hằng năm.

Các giờ dạy lý luận chính trị sẽ hiệu quả, thu hút sinh viên khi giảng viên sử dụng hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại và phương pháp giảng dạy tích cực. Phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học thông qua việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Một số loại hình phương pháp giảng dạy tích cực cơ bản được các giảng viên trong nhà trường sử dụng thường xuyên như phương pháp hỏi - đáp, làm việc nhóm, phỏng vấn nhanh... Sự tích cực tham gia phát biểu ý kiến sẽ giúp cho chính sinh viên hiểu rõ vấn đề hơn, nhớ lâu hơn. - ThS Nguyễn Dạ Thu

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-chinh-tri-van-hoa-cho-sinh-vien-ly-thuyet-dinh-huong-hanh-dong-post666901.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-chinh-tri-van-hoa-cho-sinh-vien-ly-thuyet-dinh-huong-hanh-dong-post666901.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục chính trị, văn hóa cho sinh viên: Lý thuyết định hướng hành động