Giáo dục

Giáo dục đại học tăng vững chắc trong kết quả nghiên cứu, công bố quốc tế

09/08/2024 11:53

Kết quả nghiên cứu, công bố quốc tế của hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam có xu hướng tăng vững chắc và bền vững ổn định.

Trong đó, các cơ sở GDĐH cũng luôn đóng vai trò chủ đạo trong công bố khoa học của cả nước.

Đề tài cấp Bộ được Bộ GD&ĐT duy trì thường xuyên

Tại Hội nghị GDĐH năm 2024, Bộ GD&ĐT cho biết: Khối GDĐH chiếm 1/3 tổng số cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian của cả nước và 3/4 số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ của cả nước.

Về số bài báo công bố trên các ấn phẩm Scopus trong 3 năm từ tháng 1/2022 đến hết tháng 7/2024, chỉ tính riêng 67 cơ sở GDĐH có số lượng công bố nhiều nhất đã chiếm 83,5% số bài của cả nước.

Trong năm học 2023-2024, Bộ GD&ĐT đã mở các đề tài nghiên cứu về Toán học nhằm mục tiêu: Hỗ trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án về Toán học, Toán ứng dụng, mô hình và phương pháp giáo dục Toán học hiện đại.

Đề tài cấp Bộ được Bộ GD&ĐT duy trì thường xuyên trong những năm qua nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của của các cơ sở GDĐH. Bên cạnh những giá trị về khoa học và thực tiễn, đề tài cấp bộ còn thu hút số lượng lớn cán bộ của cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ tham gia nghiên cứu khoa học, góp phần hỗ trợ nghiên cứu sinh, đào tạo thạc sĩ, sinh viên được tham gia.

ScreenHunter_156 Aug. 09 09.42.jpg
Kết quả công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT phê duyệt và giao thực hiện 295 đề tài cấp bộ. Công tác kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện đề tài được chú trọng. Tất cả các đề tài được phê duyệt có sản phẩm công bố quốc tế ISI, Scopus, ACI, và công bố trong nước trên các tạp chí khoa học trong danh mục tính điểm công trình của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đào tạo sau đại học, khuyến khích các sản phẩm ứng dụng chuyển giao, đăng ký tài sản trí tuệ, được Bộ GD&ĐT đặt hàng rõ ràng về sản phẩm, kinh phí, thuận lợi cho việc dự toán, quyết toán, đánh giá nghiệm thu.

Kết quả nổi bật hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4555/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2023 ban hành Quy định thưởng cho công bố khoa học có giá trị, sáng chế, giải pháp hữu ích và giống cây trồng trong các cơ sở GDĐH trực thuộc.

Theo đó, có 27 giải pháp hữu ích, 25 sáng chế và 2.211 bài báo khoa học đăng trên tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu Web of Science, được tổ chức Scimago xếp hạng Q1,2 thuộc 32 cơ sở GDĐH trực thuộc Bộ.

Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tổ chức khen thưởng các công trình Toán học xuất sắc trong lĩnh vực Toán học năm 2023; có 35 công trình được trao tặng Giải thưởng Công trình Toán học xuất sắc năm 2023, trong đó 5 giải nhất, 12 giải nhì và 18 giải ba.

Tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên được xác định là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và hướng nghiệp. Các cơ sở GDĐH đã có nhiều hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu với hoạt động đào tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học chiếm 30-35% trong tổng số sinh viên ở các trường đại học, tập trung chủ yếu là sinh viên năm thứ ba trở đi. Đối với giảng viên trẻ, nghiên cứu khoa học càng có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ của giảng viên.

ScreenHunter_157 Aug. 09 09.44.jpg

Một số kết quả nổi bật của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ GD&ĐT có thể kể đến:

Tạp chí Kinh tế và Phát triển (JED) của Trường ĐH Kinh tế quốc dân chính thức được ghi tên vào danh mục Scopus. Tạp chí JED là tạp chí thứ hai trong số tạp chí của các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT gia nhập danh mục Scopus thành công.

3 tạp chí của các cơ sở GDĐH được gia nhập ACI năm 2024: Tạp chí khoa học của Trường ĐH Ngoại thương; Tạp chí khoa học của Trường ĐH Quy Nhơn, Tạp chí khoa học của Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2023, các đơn vị trực thuộc Bộ đã công bố 1.159 bài báo Q1, 1.052 bài báo Q2 trên tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS; 3.244 bài báo trên tạp chí khoa học Scopus.

Ngoài ra, năm 2024, Hệ thống ACI đã thông báo kết quả đánh giá tạp chí, Việt Nam có thêm 11 tạp chí được gia nhập hệ thống. Trong đó, có 4 tạp chí của ĐH Quốc gia Hà Nội là Tạp chí Toán Lý, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, Tạp chí Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tạp chí Khoa học Y Dược; Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương; Tạp chí Khoa học của Trường ĐH Quy Nhơn; Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM; Tạp chí Khoa học của Trường ĐH Trà Vinh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-dai-hoc-tang-vung-chac-trong-ket-qua-nghien-cuu-cong-bo-quoc-te-post694996.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-dai-hoc-tang-vung-chac-trong-ket-qua-nghien-cuu-cong-bo-quoc-te-post694996.html
Bài liên quan
Thay đổi tư duy trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp
Đội ngũ nhà khoa học nông nghiệp cần tích cực "ra ruộng, về làng" hơn nữa, về với bà con nông dân để cùng lan tỏa giá trị sâu rộng của khoa học – công nghệ khắp làng quê.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục đại học tăng vững chắc trong kết quả nghiên cứu, công bố quốc tế