Chương trình môn Giáo dục công dân cấp THCS gồm bốn mạch kiến thức tương ứng với bốn dạng bài học, đó là bài học giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống, giáo dục pháp luật và giáo dục kinh tế. Cấu trúc mỗi bài học đều gồm bốn phần: Mở đầu, Khám phá, Luyện tập, Vận dụng. Mặc dù có sự giống nhau về cấu trúc bài học và cùng bám theo định hướng phát triển năng lực HS, với mỗi kiểu bài học vẫn cần có cách tiếp cận vấn đề, cách dạy, cách học đặc trưng. Cụ thể:
Với bài giáo dục đạo đức, các giá trị đạo đức như: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm là những giá trị cốt lõi để các tác giả xây dựng lên các hoạt động học. Để việc dạy học các bài học này được hiệu quả, GV chú trọng việc khai thác các câu chuyện, thông tin, tình huống thực tiễn gần gũi với HS trung học cơ sở, tiêu biểu, điển hình để giáo dục cho HS giá trị đạo đức của bài học thông qua các hoạt động tương tác, giao tiếp đa chiều.
Đa dạng các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống trong trường học. |
Trong quá trình khai thác tình huống, GV nên đi theo một quy trình của quá trình nhận thức: từ những trường hợp cụ thể (riêng) để đến những giá trị tổng thể (chung); từ thông tin, tình huống trong bài học để đến với đời sống thực tế của HS qua các hoạt động liên hệ. Bằng cách đó, GV giúp HS có thể kết nối cuộc sống với bài học, đưa bài học vào cuộc sống một cách thật tự nhiên.
Đối với các bài học giáo dục kĩ năng sống, GV cần thiết kế, tổ chức nhiều hoạt động thực hành gần gũi với các việc làm của HS khi ở nhà, ở trường để các em có cơ hội được rèn luyện và phát triển, từ đó dần dần tạo nên những kĩ năng và thói quen sống tích cực.
Đối với các bài về giáo dục pháp luật, GV cần tăng cường khai thác các thông tin, tình huống pháp luật (giả định hoặc có thật), đa dạng, gần gũi với HS trung học cơ sở, tiêu biểu, điển hình, kết hợp với việc cho HS tìm hiểu các điều luật cụ thể,… để giáo dục cho HS về các chuẩn mực pháp luật được đặt ra trong yêu cầu của bài học, thông qua các hoạt động trao đổi, thảo luận theo nhóm, theo lớp.
Với bài học giáo dục kinh tế, là những dạng bài tập trung giúp HS có ý thức và biết tham gia vào các hoạt động kinh tế phù hợp với chuẩn mực đạo đức, quy định của pháp luật, GV nên lựa chọn thông tin, số liệu, hoạt động gần gũi với các hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong đời sống thông qua các hoạt động cá nhân, cặp, nhóm phù hợp.
Một trong những nguyên tắc mà GV cần bám sát khi khai thác nội dung GDCD cấp THCS là: Luôn lấy yêu cầu cần đạt làm cơ sở cho việc tổ chức các hoạt động dạy học trên lớp. Nội dung học tập được HS thảo luận, được GV đưa ra phải bám sát nội dung yêu cầu cần đạt, tránh tình trạng đi sâu phân tích mặt trái của vấn đề làm sai lệch yêu cầu của bài học.
Đồng thời, GV cần tránh sa đà vào truyền thụ, áp đặt một chiều, nói những điều lí thuyết, giáo điều, làm cho HS không có cơ hội được giao tiếp, bày tỏ ý kiến, thái độ riêng, được thể hiện cảm xúc vào trong những câu chuyện, những tình huống có vấn đề liên quan đến cách sống, lối sống hằng ngày của các em. GV cần khuyến khích HS bày tỏ ý kiến, thái độ và liên hệ đến cuộc sống thực của mình.